Phía sau mỗi lá đơn là số phận của một con người
Trong ngày thứ 2 Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều Đại biểu đã đưa ra các câu hỏi chất vấn làm “nóng” hội trường. Trong đó, nhiều ĐB bức xúc về những vụ án oan sai.
Vì một con bê khiến ông Phê đã tự tử
Tại phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (sáng ngày 31/10), ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề, vừa qua có thực tế là khi tòa phúc thẩm xử án có hiệu lực thì sẽ đi vào thi hành án và cưỡng chế; sau đó người thi hành án đưa đơn lên tòa cấp cao hoặc giám đốc thẩm. Giám đốc thẩm và tòa cấp cao phủ quyết tòa án sơ thẩm và phúc thẩm.
“Người bị thi hành án thiệt hại tài sản rất lớn. Ở Đồng Tháp có người bị cưỡng chế thi hành án, tài sản thiệt hại khoảng 600 triệu đồng từ cách đây 2 năm nhưng không cấp nào, không ai đứng ra bồi thường. Như vậy có oan sai không?", ông Hòa chất vấn.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cũng tranh luận với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. ĐB Thức nhắc lại thông tin Chánh án cho rằng trong 2.000 đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết được 1.000 đơn, trong đó số vụ giám đốc thẩm 400-500 vụ, rất cao so với thế giới chỉ 100-200 vụ.
"Ý này chưa thỏa đáng vì chất lượng xét xử của Việt Nam khác các nước", ĐB Thức nhấn mạnh.
Cũng theo ĐB Thức: "Điều quan trọng là khi mắc sai lầm thì biết sửa chữa, nhưng sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối", ông Thức nói và dẫn chứng vụ án ông Vũ Bá Phê ở Phú Yên tranh chấp một con bê nhưng tòa xử sai, sau đó ông Phê đã tự tử. Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, các cơ quan tư pháp đã tốn kém hàng tỷ đồng để khắc phục nhưng không thể cứu được mạng sống của ông Phê.
"Phía sau mỗi lá đơn là số phận của một con người, một gia đình, dòng họ chứ không phải đơn giản là giải quyết được một nửa là tốt lắm rồi", ĐB Trí Thức nhắn nhủ đến Chánh án Tòa tối cao.
Bộ GD&ĐT chưa làm đến nơi đến chốn?!
Trong phiên chất vấn, giải trình về dự thảo quy định đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, về quy định trong các văn bản thông tư của ngành giáo dục rất nhiều, Bộ đang rà soát. Trong đó thông tư quy định đuổi học sinh viên khi bán dâm có từ năm 2007, trong thông tư năm 2016 cũng đã có.
Trong khi rà soát, Bộ GD&ĐT nhận thấy những quy định này không còn phù hợp nữa, cần bỏ và sửa đổi. Tuy nhiên do cán bộ cá nhân năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đã đưa lên, gây luồng ý kiến xã hội. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo xử lý phải xử lý ngay, nội dung này không đưa vào thông tư nữa.
Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ GD&ĐT cần loại bỏ những thông tư không hợp lý, gây phản cảm cho xã hội. Bà Ngân cho hay, một vấn đề khi chưa được bàn bạc kỹ mà đưa rộng rãi lên mạng xã hội gây bức xúc.
Phát biểu sau phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, bà không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà lại chuyển lỗi cho một cá nhân khác.
Theo bà, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhận thấy năng lực của bộ máy ngành thì mới lấy lại được sự tôn nghiêm của giáo dục.
“Mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào thực tế, không tránh né không tác động”, bà Hiền nói.
Cùng quan điểm bà Hiền, nhiều ĐB khác cũng đồng tình trong việc ra quy định phản cảm của bộ trưởng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng cho biết, đại biểu rất chia sẻ với các bộ trưởng vì có rất nhiều vấn đề nóng, tuy nhiên khi đặt ra câu hỏi họ đều đã “tính toán”. Để một thông tư được ban hành, trước đó Bộ trưởng cần chuẩn bị chu đáo, nội bộ cần bàn luận kỹ, bản thân Bộ trưởng cũng phải đọc trước khi đưa ra dư luận.
“Vì Bộ GD&ĐT chưa làm đến nơi đến chốn nên gây phản cảm, trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng GD&ĐT”, ông Cầu nói.
Chia sẻ quan điểm, ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bày tỏ về quy trình, cán bộ soạn thảo chịu trách nhiệm về khâu này, nhưng khi đã đưa lên mạng thì cần phải có sự chịu trách nhiệm của cấp quản lý. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của Quốc hội khi để quy định đó tồn tại suốt 10 năm qua.
“Dân gian có câu ‘Người cháu mà lú thì người chú phải khôn’, đôi khi cán bộ soạn thảo có thể sơ suất nhưng cấp thẩm định, phê duyệt thì không thể để lỗi đó. Chỉ khi nào lãnh đạo công tâm, thẳng thắn, nhận trách nhiệm thì chúng ta mới sửa sai được”, ông Hùng nói.
Tràn nan “dược sĩ cho thuê bằng cấp”
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận tình trạng một dược sĩ cho thuê bằng cấp ở nhiều nơi, không thực hiện đứng ở ngay nơi bán thuốc.
Có thể bạn quan tâm
Quy định phạt sinh viên bán dâm do cán bộ ý thức kém đưa lên
10:11, 31/10/2018
ĐBQH cảm nhận gì về các “tư lệnh ngành”?
05:30, 31/10/2018
Cần các Tư lệnh ngành có trách nhiệm
04:58, 31/10/2018
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã ban hành Luật Dược, các nghị định, thông tư về việc mở, kinh doanh thuốc. Theo đó, những cửa hàng, quầy thuốc khi được cấp phép phải đáp ứng được các điều kiện đưa ra, phải có giấy phép hoạt động.
Mỗi người có bằng cấp về dược sĩ chỉ được sử dụng một nơi và phải chịu trách nhiệm ở nơi bán thuốc đó.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều dược sĩ cho thuê bằng cấp mà không thực hiện đứng ở ngay nơi bán thuốc. Thậm chí có người sử dụng 1 bằng cấp của mình để cho thuê ở vài nơi ở các tỉnh khác.
Trước bất cập trên, chúng ta đã đưa ra các giải pháp xử lý như: Nghị định 176 xử phạt hành chính, thậm chí tước giấy phép hoạt động.
Ngoài ra, các địa phương cũng có những hoạt động thanh tra đột xuất. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đoàn thanh tra liên ngành và xử phạt khá nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì ngành Y tế vẫn thực hiện hậu kiểm nhiều hơn.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng trả lời về vấn đề bán thuốc không theo đơn.
Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt cũng như ra đề án bán thuốc phải theo kê đơn bằng hình thức nối mạng Internet, liên thông thống nhất giữa các cơ sở bán thuốc với cơ quan quản lý và khách hàng, nhằm công khai minh bạch nguồn gốc thuốc, giá thuốc. Việc làm này đã được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh và hiện đang được nhân lên thành 16 tỉnh, sắp tới sẽ nhân rộng ra toàn quốc.
“Bộ Y tế đang quyết liệt thực hiện bán thuốc theo đơn và kèm theo những thông tư quy định về kê đơn. Việc kiểm soát điều này sẽ được thực hiện bằng hệ thống công nghệ thông tin”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.