Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Hủy hoại kinh tế thị trường?
Lợi dụng "xã hội hoá" để trục lợi thì không chỉ vô đạo đức mà còn huỷ hoại kinh tế thị trường.
LTS: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai để điều tra dấu hiệu tội phạm trong việc xã hội hóa thiết bị y tế. Vụ án làm bộc lộ “lỗ hổng” trong quản lý nhà nước đối với hình thức đầu tư này.
Lẽ ra, chúng ta chỉ nên xã hội hoá sản phẩm, dịch vụ công, khi cho phép thị trường tư nhân phát triển ở mức độ nhất định, để đảm bảo rằng: tính cạnh tranh của thị trường cung ứng mà trong đó sản phẩm, dịch vụ công là một thành phần (công bằng) - là sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng - dựa trên sự đa dạng của nguồn cung cấp với giá công bằng và phù hợp tương xứng với chất lượng cạnh tranh, cho những phân khúc nhu cầu khác nhau.
Xã hội hoá một dịch vụ, sản phẩm công khi chưa để thị trường tư nhân phát triển, thì vẫn là độc quyền cung ứng nhưng lại được bán với mức giá cao hơn bình thường (thậm chí là rất cao và không thiếu gì cách so chuẩn). Như vậy là tạo ra "đặc lợi" cho người bán, còn thiệt thòi lại ở phía người mua. Không có cái gọi là "xã hội hoá" gì ở đây, mà thực chất là "rip-off" - bán với giá quá đắt (PV) - người mua dưới mỹ từ "xã hội hoá".
Khi nhà đầu tư ưu tiên việc tối đa hoá "lợi nhuận tài chính", “lợi ích cổ đông” thì phải tối thiểu hoá “lợi ích cộng đồng”, dẫn tới xung đột với mục đích của dịch vụ công là tối đa hóa "lợi nhuận xã hội" - tức mang lại lợi ích cho nhiều người trong xã hội nhất với phí tổn thấp nhất .
Thực tế thì không phải sản phẩm/dịch vụ công nào cũng phải được tư nhân hoá, thị trường hoá. Không chỉ riêng trong kinh tế, mà còn cả trong lĩnh vực y tế, giáo dục công, và ngay cả lĩnh vực hạ tầng công, những chức năng của nhà nước mà những những nhà tự do cổ điển nổi tiếng như Adam Smith muốn nâng lên mức một khoa học ứng dụng thực sự.
Tư nhân hoá là chủ trương không sai, tuy nhiên cách thức thực thi sai sẽ tạo cơ hội cho nhóm lợi ích núp bóng tư nhân, nhân danh điều tốt đẹp thâu tóm và lũng đoạn thị trường. Nền kinh tế thị trường đúng nghĩa chỉ phát triển khi được đi cùng với một thể chế pháp luật hoàn chỉnh, nghiêm minh hậu thuẫn cho nó. Nếu không, việc tư nhân hoá đại trà những sản phẩm công thiết yếu sẽ khiến đất nước trở thành một xã hội thị trường, tức một xã hội vì tiền mà bất chấp tất cả.
Có thể bạn quan tâm