Dự án xã hội hóa ở Cần Thơ: Giao đất cần minh bạch

NINH THỚI 01/08/2020 11:05

Trong khi nhiều dự án được hưởng ưu đãi giao đất sạch với diện tích sử dụng không hết thì có nhiều dự án nhà đầu tư phải tự thỏa thuận chuyển nhượng từng mét đất để xây dựng những công trình loại này.

Việc giao đất sạch cho các nhà đầu tư là một chính sách ưu đãi rất lớn để thu hút đầu tư phát triển y tế, giáo dục và đào tạo... Tuy nhiên, chính sách này thực hiện trong thực tế còn nhiều bất cập tại Cần Thơ. Trong đó, thiếu quy hoạch sử dụng đất đai cho mục đích xã hội hóa và chưa công bằng trong việc hưởng ưu đãi giao đất sạch khiến nhiều nhà đầu tư rất băn khoăn khi đầu tư vào địa phương này.

p/ĐH Nam Cần Thơ quy mô đào tạo 12.000 sinh viên nhưng chỉ được thuê đất thời gian 5 năm.

ĐH Nam Cần Thơ quy mô đào tạo 12.000 sinh viên nhưng chỉ được thuê đất thời gian 5 năm.

Môi trường đầu tư kinh doanh bất bình đẳng?

Trong khi Phân hiệu Trường ĐH FPT cách đó vài trăm mét, cùng phường được giao hàng chục hecta đất sạch theo chương trình ưu đãi dự án xã hội hóa thì ĐH Nam Cần Thơ chỉ được thuê đất với thời gian 5 năm hơn 10.960 m2 và phải tự thỏa thuận chuyển nhượng thêm của người dân hơn 70.000 m2 để thành lập trường.

Ngày 28/12/2012, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã có Công văn số 3171/BGDĐT-KHTC can thiệp vì địa phương cho Trường ĐH Nam Cần Thơ thuê đất thời gian quá ngắn là chưa đảm bảo quy định về ổn định cơ sở vật chất cho Nhà trường.

Đến ngày 5/12/2018, UBND thành phố ban hành Công văn số 4110/UBND-KT về việc chấp thuận việc đưa ra đấu giá quyền thuê khu đất trên phục vụ cho xây dựng công trình giáo dục.

Tuy nhiên, trong cuộc họp với các sở, ngành hữu quan mới đây, Phó Chủ tịchThường trực UBND TP.Cần Thơ Đào Anh Dũng đã có ý kiến giao cho Sở TN-MT làm quy trình lại.

Trước những khó khăn “lình xình” trong chính sách, vào ngày 30/6/2020, Chủ tịch HĐQT Nhà trường đã phải gửi Công văn cầu cứu đến Lãnh đạo Thành ủy, UBND và các sở, ngành hữu quan thành phố Cần Thơ xem xét để sớm “quyết định” số phận của khu đất này.

Được biết ĐH Nam Cần Thơ cũng là nhà đầu tư bệnh viện quy mô 300 giường tại khu đô thị Nam Cần Thơ-nơi rất thiếu công trình y tế. Thế nhưng dự án bệnh viện này cũng không được đưa vào danh mục dự án xã hội hóa. Để có mặt bằng xây dựng bệnh viện, chủ đầu tư đã phải rót hàng trăm tỷ đồng để chuyển nhượng lại 25.000m2 đất từ một đơn vị kinh doanh bất động sản.

“Điều mà nhà đầu tư cần nhất là môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, không phân biệt đối xử và chính sách phải dài hạn, có như thế thì nhà đầu tư mới yên tâm đến đầu tư tại địa phương”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nam Cần Thơ chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Tương tự như vậy, các nhà đầu tư Trường tiểu học, THCS phổ thông Quốc tế Hòa Bình; Trung tâm dạy nghề lái xe Chiến Thắng; Trường trung cấp Tây Đô, Trường Trung cấp Đại Việt… phản ánh với PV, dù đang đầu tư vào dự án mà địa phương đang cần và thuộc lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hoá theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được ưu đãi gì.

Lãnh đạo địa phương nói gì?

Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở KH-ĐT Cần Thơ: Thứ nhất, do một số trường hợp, việc triển khai thực hiện dự án trên phần đất doanh nghiệp đã thực hiện chuyển nhượng nên không thực hiện được việc xét ưu đãi tiền thuê đất theo Quyết định số 22. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư của thành phố còn hạn chế, chưa có nguồn lực để tạo đất sạch thực hiện kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo danh mục đề ra theo Điều 4 Nghị định 69/2008/NĐ-CP.

Thứ hai là do thiếu quy hoạch sử dụng đất đai cho mục đích xã hội hóa; quỹ đất sạch của thành phố rất hạn chế, nhà đầu tư phải tự giải phóng mặt bằng, nên chưa thu hút được hoặc thu hút rất ít dự án đầu tư vào một số lĩnh vực thành phố có nhu cầu (lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, môi trường). Một số nhà đầu tư đề xuất dự án không thuộc danh mục các cơ sở đăng ký thực hiện xã hội hóa. Đặc biệt, là trường hợp các nhà đầu tư sau khi được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư mới tiến hành đăng ký, đề nghị được hưởng chính sách xã hội hóa.

“Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa. Do đó, địa phương vẫn chờ có Nghị định mới của Chính phủ thì mới ban hành Quyết định điều chỉnh hoặc thay thế Quyết định 22/2016/QĐ-UBND”, ông Hiện thông tin thêm.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết: giai đoạn 2008-2019 địa phương đã giải quyết chính sách xã hội hóa giảm tiền thuê đất cho 6 dự án với tổng diện tích trên 73.700m2, với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, số tiền thuê đất dự kiến giảm cho nhà đầu tư gần 40 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án đã đi vào hoat động, 4 dự án đang triển khai thực hiện. Mặc dù danh mục kêu gọi dự án xã hội hóa rất nhiều nhưng 10 năm qua số lượng nhà đầu tư đăng ký thực hiện rất ít và chỉ tập trung vào khu vực thành thị.

"Đề chấn chỉnh thu hút đầu tư trên lĩnh vực này, địa phương đang rà soát điều chỉnh danh mục dự án mời gọi đầu tư xã hội hóa cho giai đoạn tiếp theo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát theo quy định việc thực hiện dự án xã hội hóa theo đúng điều kiện và tiêu chí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt", ông Hiển nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Công trình xã hội hóa, chưa dùng đã hỏng: Nguyên nhân từ đâu?

    Công trình xã hội hóa, chưa dùng đã hỏng: Nguyên nhân từ đâu?

    04:10, 19/05/2020

  • Sửa đổi Nghị định 72/2013: Siết quản lý mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam

    Sửa đổi Nghị định 72/2013: Siết quản lý mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam

    11:07, 29/04/2020

  • [XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 2) 

    [XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 2) "Đòn bẩy" phát triển năng lượng quốc gia

    11:14, 27/02/2020

  • [XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 1) Lực hút nguồn lực tỷ USD

    [XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 1) Lực hút nguồn lực tỷ USD

    04:01, 26/02/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án xã hội hóa ở Cần Thơ: Giao đất cần minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO