RCEP cũng không thể hàn gắn mối quan hệ Trung - Úc
Các nhà sản xuất rượu vang của Úc đã phải hứng chịu một đòn giáng mạnh từ Trung Quốc khi căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa hai nước.
Theo đó, các nhà quản lý Trung Quốc thông báo rằng, họ sẽ áp thuế nặng đối với rượu vang Úc sau khi tìm thấy bằng chứng sơ bộ về việc bán phá giá. Bắt đầu từ thứ bảy tuần trước, Trung Quốc sẽ bắt đầu áp thuế từ 107,1% đến 212,1% đối với rượu nhập khẩu của Úc, thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Động thái này đang cho thấy một “cuộc trả đũa” từ Trung Quốc với các doanh nghiệp Australia khi quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh ngày càng xấu đi.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố một cuộc điều tra đối với một số nhập khẩu rượu vang của Úc vào tháng 8, sau khi có khiếu nại từ Hiệp hội Công nghiệp Rượu Trung Quốc. Các nhà quản lý Trung Quốc vào thời điểm đó nói rằng họ sẽ điều tra 40 cáo buộc về các khoản trợ cấp không công bằng của chính phủ trong lĩnh vực rượu vang của Úc.
Bộ Thương mại Trung Quốc hiện cho biết họ đã xác nhận các trường hợp bán phá giá, "gây thiệt hại vật chất" cho ngành sản xuất rượu nội địa ở Trung Quốc. Thực chất, việc điều tra chống bán phá giá rượu vang của Australia với Trung Quốc chỉ mang tính chất “trả đũa” của chính quyền Bắc Kinh với Canberra.
Theo Wine Australia, một tổ chức thương mại được chính phủ nước này hậu thuẫn, Trung Quốc là nhà nhập khẩu rượu vang lớn nhất của Úc. Trong năm tài chính gần đây nhất, kết thúc vào tháng 9 này, chỉ riêng Trung Quốc đại lục đã chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu rượu vang của Australia theo giá trị.
Bộ trưởng Thương mại Úc, Simon Birmingham cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ sáu: “Đây là một đòn tàn khốc đối với những doanh nghiệp Úc buôn bán với Trung Quốc trong ngành rượu vang. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó là không hợp lý và không có bằng chứng".
Trên thực tế, trong năm nay, Australia đã khiến Trung Quốc “nóng mắt” khi kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Bắc Kinh sau đó đã nhắm tới các đòn trả đũa với Canberra, cụ thể là bằng cách đình chỉ một số nhập khẩu thịt bò và áp thuế nặng đối với lúa mạch.
Australia cũng không vừa khi vào tháng 8, họ đã ngăn việc bán doanh nghiệp sữa cho một công ty Trung Quốc khi một quan chức cho biết việc mua lại "sẽ đi ngược lại với lợi ích quốc gia." Lion Dairy, sau đó được bán cho công ty Bega Cheese của Úc, trong một thỏa thuận trị giá 560 triệu đô la Úc (413 triệu USD).
Có một điều đáng tiếc là mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Canberra được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Australia và Trung Quốc cùng ký kết một thỏa thuận thương mại lớn có tên là Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Chính phủ Trung Quốc đã bảo vệ cách tiếp cận của mình. Trong tuyên bố hôm thứ sáu, Bộ Thương mại nước này nhấn mạnh rằng các cuộc điều tra của họ được tiến hành "theo đúng luật và quy định có liên quan của Trung Quốc và các quy định của WTO".
Rõ ràng là gần đây, Trung Quốc đã thừa nhận mối quan hệ rạn nứt giữa hai nước. Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Australia nên gánh chịu trách nhiệm về "sự suy thoái mạnh" trong quan hệ này.
"Canberra phải chịu trách nhiệm về tình trạng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước”, phát ngôn viên Zhao Lijian cho biết tại một cuộc họp báo.
Có thể bạn quan tâm
DOANH NHÂN - DOANH NGHIỆP TUẦN TỪ 23-28/11: Có một làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc
11:00, 29/11/2020
“Nóng" cuộc đua ô tô điện ở Trung Quốc
07:40, 29/11/2020
Bước đi xuống "địa ngục" của một DNNN Trung Quốc
05:15, 28/11/2020
“Bom nợ” doanh nghiệp Trung Quốc phát nổ
05:00, 28/11/2020
Apple đã yêu cầu Foxconn chuyển một số bộ phận sản xuất MacBook và iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam
14:48, 27/11/2020