Trong một số năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Trung Quốc đã đua nhau vỡ nợ sau nhiều thập kỷ đóng vai trò “con gà đẻ trứng vàng” của nền kinh tế nước này.
Trong 1 tuần qua có liên tiếp 3 vụ vỡ nợ trái phiếu của các DNNN Trung Quốc, khiến giới đầu tư bất an.
Ngày 20/11, Toà án Nhân dân Trung cấp Thẩm Dương đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo hộ phá sản của Huachen Automotive Group Holdings - nhà sản xuất ô tô đình đám tại Trung Quốc, đơn vị liên danh với BMW, Renault. Vụ vỡ nợ lên đến 1 tỷ NDT.
Hay như Tsinghua Unigroup, nhà sản xuất chip đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng ngành bán dẫn nội địa của Trung Quốc cũng rơi vào số phận tương tự. Trong khi đó, Tập đoàn điện - than Yongcheng cũng rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Nếu như trong năm 2016, hầu hết doanh nghiệp vỡ nợ nằm trong ngành công nghiệp than, thép thì năm nay, vỡ nợ bao trùm các công ty thuộc nhiều lĩnh vực hơn, như giao thông, du lịch, bán lẻ…
Sở dĩ các vụ nỡ nợ DNNN Trung Quốc liên tục xảy ra do quốc gia này đang siết chặt quy định nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính, khi tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP của nước này đã lên đến 160% và dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong các năm tới.
Trong hàng chục năm qua, nhiều DNNN tại Trung Quốc được bao bọc, nên thị trường tài chính Trung Quốc tuy “phổng phao” bề ngoài, nhưng kém sức đề kháng trước những biến động khó lường của thị trường. Và đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ thực trạng này.
Tính đến ngày 30/9/2020, tổng nợ khó đòi của ngành ngân hàng Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục gần 430 tỷ USD.
Bất chấp những nỗ lực hỗ trợ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, thị trường tài chính ngân hàng Trung Quốc đang đối mặt áp lực lớn vì tình trạng nợ quá hạn tăng nhanh. Theo thống kê, nợ quá hạn trong nước tăng lên 14,06 tỷ USD trong năm nay.
Hiện có khoảng 85 tỷ NDT nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đáo hạn vào tháng 3/2021 và 172,6 tỷ NDT (26,2 tỷ USD) nợ sẽ đáo hạn vào tháng 11/2021. Trong đó, khoảng 63,9 tỷ NDT nợ thuộc về các DNNN. Với tình hình khó khăn hiện nay, rất nhiều trong số các khoản nợ nói trên có nguy cơ quá hạn, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ vỡ nợ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ dây chuyền ở Trung Quốc.
“Trung Quốc đang ở vào thế mắc kẹt giữa nợ và tăng trưởng kinh tế. Muốn tăng trưởng, thì phải tăng nợ, và ngược lại. Nghĩa là, về dài hạn, Trung Quốc muốn tăng trưởng thì phải có sự đổ vỡ nào đó, nếu không sẽ không có hy vọng gì đối với tăng trưởng”, TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nhận định.
Có thể bạn quan tâm
05:09, 27/11/2020
11:00, 25/11/2020
13:43, 24/11/2020
06:00, 24/11/2020
01:00, 24/11/2020