"Hộ chiếu vắc xin" - tấm vé đảm bảo an toàn mùa COVID-19?

CẨM ANH 15/01/2021 11:00

Việc Qantas, Úc đã trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới yêu cầu khách có chứng nhận đã tiêm vắc xin chống COVID-19 cho thấy ‘hộ chiếu vắc xin’ sẽ ngày một phổ biến.

Việc

Những người từng được tiêm vắc xin chống COVID-19 sẽ được cấp chứng nhận số 

Với hàng triệu liều vắc xin chống COVID-19 đã được mua và triển khai trên nhiều quốc gia, các chuyên ia kỳ vọng, phần lớn người dân trên thế giới sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào năm 2023, cũng như các ngành nghề sẽ hồi phục trở lại như trước khi đại dịch bùng phát.

Tuy nhiên, có một số ngành công nghiệp quan trọng với nền kinh tế các quốc gia, như du lịch và lữ hành, không thể đợi cả thế giới trở nên miễn nhiễm với COVID-19 để khởi động lại, do những thiệt hại kinh tế mà các nước trên thế giới phải đối mặt là rất nặng nề. Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia đã và đang xem xét về “hộ chiếu vắc xin” để cho phép các hoạt động du lịch bắt đầu lại trong năm tới.

Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xem xét khả năng triển khai chứng nhận điện tử cho những người đã tiêm chủng COVID-19. Được triển khai thí điểm tại Estonia, những người từng được tiêm vắc xin chống COVID-19 sẽ được cấp chứng nhận số về tiêm chủng, với “thẻ vàng thông minh” để dần dần có thể theo dõi dữ liệu về sức khỏe.

Những dữ liệu này sẽ chứng nhận rằng người sở hữu “hộ chiếu vắc xin” đã có phản ứng miễn dịch tích cực với vi rút SARS-CoV-2 và được cho là có khả năng chống lại sự lây nhiễm tiếp theo. Đồng thời, việc sở hữu tấm hộ chiếu đặc biệt này được kỳ vọng có thể giúp người dân không cần thực thi một số biện pháp giãn cách cộng đồng, và được phép di chuyển giữa các quốc gia để làm việc hoặc du lịch, học tập…

Ngay lập tức, nhiều nước châu Âu đã ủng hộ ý tưởng "hộ chiếu vắc xin" và nhanh chóng thực hiện. Tại Hi Lạp, trong trường hợp một khu vực bị phong tỏa do đại dịch, những ai đã tiêm vắc xin COVID-19 có thể được miễn trừ.

Tương tự, Ở Hungary, chính quyền đã yêu cầu người nhập cảnh phải có chứng minh là mình đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động. Tại Anh, những người đã tiêm vắc xin cũng sẽ nhận được tấm hộ chiếu điện tử cho phép họ đi qua nhiều cánh cửa biên giới. 

Đồng thời, một số công ty và tập đoàn công nghệ đã bắt đầu phải triển các ứng dụng trên điện thoại thông minh mà người dùng có thể tải lên thông tin chi tiết về các xét nghiệm, tiêm chủng của họ. Liên minh Sáng kiến giấy chứng nhận tiêm chủng với sự tham gia của Microsoft, Salesforce và Oracle, cùng một số trung tâm y tế như Phòng khám chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận Mayo của Mỹ  đã bắt tay hợp tác phát triển công nghệ cho phép các người dùng sở hữu bản sao điện tử của hồ sơ tiêm chủng đã được mã hóa.

Người dùng có thể được lưu trữ bản sao này trong ví điện tử như Apple Wallet hoặc Google Pay. Thậm chí, những người không sử dụng điện thoại thông minh đều có thể nhận được giấy in mã QR có chứa thông tin để vào các địa điểm công cộng như sân vận động, rạp chiếu phim, văn phòng hoặc thậm chí là sang các quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Catherine Smallwood - chuyên viên cao cấp về vấn đề khẩn cấp của WHO tại châu Âu - cho biết: "Chúng tôi không khuyến nghị "hộ chiếu miễn dịch" (chứng nhận tiêm vắc xin) và cũng không khuyến nghị dùng xét nghiệm như một phương tiện để ngăn ngừa đường lây truyền qua biên giới. Những gì chúng tôi khuyến nghị là các quốc gia nên xem xét dữ liệu về sự lây lan trong nước và nước ngoài và điều chỉnh hướng dẫn đi lại của họ cho phù hợp".

Ứng dụng Digital Health Pass của công ty IBM

Ứng dụng Digital Health Pass của công ty IBM

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, việc các biến chủng của virus SARS-CoV-2 đang xuất hiện ngày một nhiều sẽ đặt ra thách thức cho những người đã từng tiêm vắc xin. Bà Joan Harvey, Giám đốc chi nhánh cung cấp dịch vụ y tế của công ty bảo hiểm Cigna phân tích, trước mắt, việc tiêm chủng diện rộng vẫn đang được tiến hành một cách thận trọng. Tất cả các vắc xin phòng COVID-19 đang được sử dụng chưa đạt được số lượng người được tiêm chủng cần thiết để chứng minh tác động của vắc xin đến việc giảm khả năng nhiễm bệnh, cũng như giảm tỷ lệ tử vong

Cùng với đó, hiện nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy vắc xin hoạt động với các biến chủng hay ngăn ngừa được sự lây truyền của biến chủng. Do đó, các quốc gia vẫn cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp xét nghiệm và cách ly đối với các các cá nhân đến từ các nước đã xuất hiện biến chủng của SARS-CoV-2.

Cuộc chiến với COVID-19 là một cuộc chiến dài hơi, và vắc xin phòng COVID-19 cũng cần thêm thời gian để đạt được hiệu quả tối ưu. Chính vì vậy, dù có “hộ chiếu vắc xin”, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo các quốc gia cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhất là các biến chủng.

Có thể bạn quan tâm

  • Vắc xin Việt Nam đạt hiệu quả tốt hơn kỳ vọng

    Vắc xin Việt Nam đạt hiệu quả tốt hơn kỳ vọng

    05:00, 15/01/2021

  • Vắc xin Nanocovax của Việt Nam tạo phản ứng miễn dịch tốt

    Vắc xin Nanocovax của Việt Nam tạo phản ứng miễn dịch tốt

    11:00, 14/01/2021

  • Việt Nam tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 liều cao nhất

    Việt Nam tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 liều cao nhất

    04:30, 12/01/2021

  • Vắc xin COVID-19 thứ 2 của Việt Nam được tiêm thử nghiệm trên người vào ngày 21/1

    Vắc xin COVID-19 thứ 2 của Việt Nam được tiêm thử nghiệm trên người vào ngày 21/1

    01:04, 07/01/2021

CẨM ANH