Chính sách với Trung Quốc sẽ ra sao dưới thời Tổng thống Biden?

CẨM ANH 25/01/2021 06:04

Sau khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống, một trong những chính sách đối ngoại được giới quan sát quan tâm là liệu ông có tiếp tục duy trì thái độ cứng rắn với Trung Quốc như ông Trump?

Mối quan hệ Mỹ - Trung liệu có tan băng dưới thời ông Joe Biden?

Mối quan hệ Mỹ - Trung liệu có tan băng dưới thời ông Joe Biden?

Không ít quan chức nhận định rằng chính quyền ông Joe Biden sẽ mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Biden sắp tới dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Cụ thể, việc ông Biden đề xuất bổ nhiệm ông Antony Blinken vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ là dấu hiệu đầu tiên. Theo đó, ông Blinken là người ủng hộ việc theo đuổi lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump đối với Bắc Kinh.

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, ông Blinken cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc đã đặt ra thách thức lớn nhất cho Washington so với bất kỳ nước nào khác.

Mặt khác, trong lễ nhậm chức của ông Biden, chính quyền Mỹ đã mời bà Tiêu Mỹ Cầm, người đứng đầu Văn phòng Đại diện kinh tế và văn hóa của Đài Loan tại Mỹ, tham dự. Động thái này có thể xem là sự thách thức đối với Trung Quốc khi nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Đài Loan dưới thời ông Biden.

Trong những năm gần đây, các chuyên gia về Trung Quốc tại Washington DC. đã được phân chia thành hai lĩnh vực, một bên là các chuyên gia tập trung vào các vấn đề chiến lược và quốc phòng và một bên là những người thông thạo các vấn đề thương mại.

Nhưng việc bổ nhiệm những người có sự am hiểu về cả hai lĩnh vực trên cho thấy, ông Biden đã nhìn nhận lại lợi ích của mình, nhìn nhận lại về Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh toàn diện và sẽ hướng đến một chính sách chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực chủ chốt.

Mặc dù ông Biden có thể đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm, nhưng các chuyên gia cho rằng, để đối phó với Trung Quốc bằng một thái độ ôn hòa là một việc khó khả thi trong thời điểm hiện tại.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng chính sách đối ngoại với Bắc Kinh phụ thuộc vào việc ông Biden sẽ lãnh đạo và đàm phán như thế nào với Quốc hội Mỹ, với các đồng minh và với Bắc Kinh. Khi sắp mãn nhiệm, ông Donald Trump đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thách thức từ Trung Quốc, nhưng ông cũng đã làm suy yếu khả năng của Hoa Kỳ để đối phó hiệu quả với những thách thức đó.

Do đó, khi ông Trump rời đi, Tổng thống Biden đã kế thừa một Quốc hội Mỹ vẫn còn nhiều chia rẽ; quan hệ căng thẳng với các đồng minh. Những điều này sẽ cản trở ông Biden trong việc xây dựng các chính sách liên quan đến Trung Quốc theo đường lối ôn hòa khi Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm giữ sẽ gây sức ép.

Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình trong một cuộc gặp hồi năm 2013. Ảnh: Getty.

Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình trong một cuộc gặp hồi năm 2013. Ảnh: Getty.

Trước mắt, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng suy yếu do thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do đó, việc Trung Quốc quản lý tốt giai đoạn cải cách tiếp theo như thế nào sẽ rất quan trọng đối với cách chính quyền Biden tiếp cận Bắc Kinh.

Nếu giai đoạn này được quản lý tốt sẽ góp phần củng cố nội bộ Trung Quốc ở cấp độ thể chế và kinh tế. Đồng thời, điều này sẽ khiến Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn trên thế giới.

Nhưng nếu giai đoạn cải cách thứ hai được quản lý kém, về cơ bản điều này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc. Điều này có thể khiến Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh ít đáng gờm hơn đối với Mỹ.

Do đó, như Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, dù trong hoàn cảnh nào, ông Biden cần phải dẫn dắt Hoa Kỳ trở thành một phiên bản tốt hơn, mạnh mẽ hơn và đoàn kết hơn để có thể giành lại vị thế trước Trung Quốc.

Trước mắt, ông cần phải thắt chặt lại quan hệ với các đồng minh phương Tây, thậm chí là với Nhật Bản và Hàn Quốc tại châu Á để tạo thế cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại cho đến khi Mỹ kiểm soát được đại dịch và khôi phục nền kinh tế.

Đồng thời, Anna Ashton, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Trung Quốc cho biết, chính quyền ông Biden có thể xóa bỏ một số chính sách cứng rắn được đưa ra dưới thời ông Trump như một nỗ lực giảm căng thẳng giữa hai quốc gia.

Có thể thấy, chính sách ngoại giao với Trung Quốc là vấn đề đau đầu cho ông Biden vì nó đòi hỏi cần phải hành động để cân bằng một cách tinh tế giữa việc duy trì các giá trị dân chủ và cạnh tranh về mặt kinh tế cũng như địa chính trị. Đồng thời, Tân Tổng thống cũng phải tìm kiếm một con đường hợp tác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và đại dịch.

Để đạt được điều đó đòi hỏi Mỹ phải tìm được sự cân bằng bền vững với sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh. Nếu điều này thất bại, tương lai Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ đang ở ngay phía trước.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc chiến công hàm ở Biển Đông: Nhật Bản phản đối lập trường ngang ngược của Trung Quốc

    Cuộc chiến công hàm ở Biển Đông: Nhật Bản phản đối lập trường ngang ngược của Trung Quốc

    02:02, 21/01/2021

  • Nguy cơ bùng đợt dịch COVID-19 mới từ Trung Quốc

    Nguy cơ bùng đợt dịch COVID-19 mới từ Trung Quốc

    05:05, 20/01/2021

  • Trung Quốc

    Trung Quốc "ẩn chứa" tham vọng gì sau khi rút tiền khỏi hệ thống tài chính?

    06:00, 16/01/2021

  • Mỹ

    Mỹ "hợp lực" hải quân để "kìm chân" Trung Quốc ở Biển Đông

    05:00, 13/01/2021

CẨM ANH