Quốc hội Mỹ hợp lực cứu nền kinh tế vượt khỏi khủng hoảng COVID-19
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đạt được chiến thắng lập pháp quan trọng đầu tiên sau khi Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD.
Với tỷ lệ phiếu bầu 219 - 209, Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch ngân sách cứu trợ COVID-19 mà ông Biden đề xuất. Trước đó, bằng lá phiếu quyết định mà Phó tổng thống Kamala Harris sử dụng để phá vỡ thế cân bằng 50 – 50, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua khoản ngân sách này.
Dự kiến, 1.000 tỉ USD trong gói hỗ trợ sẽ được chuyển trực tiếp các gia đình Mỹ. Mỗi người dân Mỹ dự kiến sẽ nhận thêm được 1.400 USD. Khoảng 450 tỉ USD được chi để đối phó với dịch COVID-19 và triển khai tiêm vắc xin cho người dân. Hàng trăm tỉ USD được chi cho việc mở cửa trở lại các trường học, hỗ trợ cộng đồng và doanh nghiệp.
Trước mắt, các hộ gia đình nhập cư cũng đã được đưa vào danh sách nhận trợ cấp để có thể vượt qua đại dịch. Đồng thời, ông Biden cũng sẽ tăng mức trợ cấp liên bang cho người thất nghiệp từ mức 300 USD trong gói cứu trợ đầu tiên lên 400 USD/hàng tuần.
Gói cứu trợ cũng sẽ cung cấp 25 tỷ USD để hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình bị mất việc làm trong thời kỳ đại dịch. Thậm chí, các khoản thanh toán của những người thuộc chương trình Bồi thường Thất nghiệp Khẩn cấp Đại dịch cũng được cho đến tháng Chín.
Với các doanh nghiệp, chính quyền Tổng thống Biden đã lên kế hoạch kêu gọi cung cấp 15 tỷ USD để tạo ra một chương trình tài trợ mới cho các chủ doanh nghiệp nhỏ, tách biệt với Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) hiện có.
Trong đó, ông cũng đề xuất đầu tư 35 tỷ USD vào một số chương trình tài trợ của các tiểu bang và địa phương cũng như một số tổ chức phi lợi nhuận để các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng các khoản vay lãi suất thấp và cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm.
Theo các chuyên gia kinh tế tại Mỹ dự đoán, động thái này sẽ gây ra tác động đáng kể lên nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung trong những năm tới. Cụ thể, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics đánh giá, trong ngắn hạn, gói cứu trợ là việc làm cần thiết để nền kinh tế Mỹ tránh khỏi duy thoái do đại dịch kéo dài.
“Ông Biden đã nắm rõ bài học từ người tiền nhiệm. Việc thông qua gói cứu trợ chậm trễ đã ảnh hưởng tới tốc độ thiết lập các trung tâm tiêm chủng, khiến nước Mỹ bỏ lỡ cơ hội ứng phó với đai dịch nhanh hơn”, chuyên gia này phân tích.
Chính vì vậy, việc tập trung đẩy mạnh chi tiêu cho triển khai, thử nghiệm vắc xin và hỗ trợ chính quyền các tiểu bang và địa phương có thể giúp Mỹ kết thúc nhanh chóng cuộc khủng hoảng COVID-19, vốn vẫn là gốc rễ của cuộc khủng hoảng kinh tế. Chỉ khi đại dịch được khống chế, chính quyền Mỹ mới có thể tính đến các bước phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc một lượng tiền quá lớn bơm vào nền kinh tế có thể khiến lạm phát bùng nổ. Tính cho đến nay, nước Mỹ đã chi tổng cộng hơn 5 nghìn tỷ USD để kích cầu kể từ khi đại dịch bắt đầu, tương đương khoảng 1/4 tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm.
Mặc dù vậy, trên thực tế, nền kinh tế Mỹ đã trượt dài do không có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn đại dịch. Do đó, sẽ cần nhiều thời gian và các biện pháp kích thích khác để có thể phục hồi như trước khi đại dịch diễn ra.
Chuyên gia kinh tế Ryan Sweet của Moody’s cho rằng, cùng với các kế hoạch kích cầu của cựu Tổng thống Trump trước đó và gói kích cầu của ông Biden chỉ đủ để nền kinh tế lớn nhất thế giới "cầm cự" đến quý III/2020.
“Vấn đề lớn nhất hiện nay là đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát. Các biến chủng liên tiếp xuất hiện và Mỹ đã triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 chậm hơn dự kiến. Chính vì vậy, việc phân bổ ngân sách để giải quyết đại dịch cần được ưu tiên hàng đầu để đưa cuộc sống của người dân ổn định trở lại”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phố Wall phản ứng tích cực trước gói cứu trợ 1.900 tỷ USD được thông qua
10:58, 06/02/2021
Giá vàng tuần tới 7- 11/12: Lực đẩy từ đề xuất gói cứu trợ mới của Mỹ
05:30, 06/12/2020
Kỳ vọng từ việc Tổng thống Mỹ tiến hành khôi phục Obamacare
17:02, 29/01/2021
Nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ sẽ làm gì trong vai trò mới?
05:30, 28/01/2021