Trung Quốc có vội vàng hạn chế xuất khẩu đất hiếm?

CẨM ANH 18/02/2021 05:30

Trung Quốc đang thăm dò xem liệu họ có thể làm tổn thương doanh nghiệp quốc phòng Mỹ bằng cách hạn chế nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm quan trọng đối với ngành công nghiệp hay không.

mỏ đất hiếm Mountain Pass và các cơ sở chế biến quặng liên quan ở California do MP Materials điều hành

Mỏ đất hiếm Mountain Pass và các cơ sở chế biến quặng tại California do MP Materials điều hành. Ảnh: SCMP Picture

Trước đó, theo bài viết trên Financial Times, những người tham gia cuộc tham vấn của chính phủ Trung Quốc tiết lộ các quan chức chính phủ đã hỏi họ liệu rằng các công ty ở Mỹ và châu Âu, bao gồm công ty quốc phòng, sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào nếu Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm.

“Chính quyền Trung Quốc muốn biết Mỹ sẽ gặp khó khăn như thế nào trong chương trình sản xuất chiến đấu cơ tối tân F-35 nếu Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm”, một nguồn tin giấu tên cho biết. Các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cũng tiết lộ Bắc Kinh muốn hiểu rõ hơn liệu rằng Mỹ có thể đảm bảo nguồn cung đất hiếm thay thế hay không.

Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu cho biết, một số nhà phân tích cấp cao trong ngành đã nói rằng, Trung Quốc không áp đặt bất kỳ biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm nào để nhắm vào Mỹ.

Zhou Hongchun, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện, Trung Quốc, trao đổi với Global Times mới đây cho biết, việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm và tăng giá một phần do các chính sách đã được lên lộ trình từ trước.

"Việc nâng cấp và hiện đại hóa chuỗi cung ứng công nghiệp là một trong những trọng tâm của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Điều này đồng nghĩa với việc xuất khẩu ít nguyên liệu thô hơn, bao gồm đất hiếm và tăng xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn", ông Zhou nói.

Mặc khác, do hậu quả của đại dịch COVID-19, hiện nay tổng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc chỉ đạt hơn 35.000 tấn vào năm 2020, so với 46.000 tấn của năm trước. Và nếu tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sang năm mới, xuất khẩu đất hiếm có thể sẽ giảm sâu hơn nữa.

Hầu hết chiến đấu cơ Mỹ có các chi tiết chế tạo từ đất hiếm

Hầu hết chiến đấu cơ Mỹ có các chi tiết chế tạo từ đất hiếm

Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định, trong tương lai, có khả năng Trung Quốc sẽ có một số biện pháp hạn chế xuất khẩu nguồn nguyên liệu này để chống lại các công ty nước ngoài làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc khi cần thiết.

Việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm được Trung Quốc thúc đẩy tiến hành từ năm 2019 trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia ngày càng trở nên căng thẳng. Trung Quốc chiếm 80% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ và Bắc Kinh đã chuẩn bị kế hoạch hạn chế các lô hàng như một cách thức để trả đũa Washington.

Mặc dù sau đó, không có quyết định hạn chế xuất khẩu nào được đưa ra, nhưng điều này đã thôi thúc chính phủ Mỹ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào một nguồn cung cấp duy nhất để đảm bảo rằng quân đội Hoa Kỳ không tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc trong việc chế tạo laser, đường dẫn tên lửa, radar và sonar, v.v.

Cụ thể, dự luật lưỡng đảng có tên gọi Đạo luật đòi lại đất hiếm của Mỹ (RARE) đã đưa ra một khuôn khổ ưu đãi thuế toàn diện để kích thích đầu tư vào các khu dự trữ đất hiếm và sản xuất khoáng sản của Hoa Kỳ, cũng như hàng loạt khoản tài trợ cho các dự án khai thác và tận thu khoáng sản. Tương tự, Đạo luật An ninh Khoáng sản Hoa Kỳ của Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski cũng đang được Ủy ban Năng lượng Thượng viện xem xét.

Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp Mỹ cũng đang đẩy mạnh phát triển khai thác cũng như tinh chế quặng đất hiếm, Đặc biệt, một ngọn núi ở Wyoming có tên Bear Lodge được phát hiện là mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất tại Mỹ, với khoảng 18 triệu tấn có thể cung cấp cho nguyên liệu cho quốc gia này trong nhiều năm tới, mặc dù việc khai thác còn nhiều thách thức.

Khi Trung Quốc chặn tất cả xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010, chính sách này đã phản tác dụng vì Nhật Bản trả đũa bằng cách xây dựng một chuỗi cung ứng mới bên ngoài Trung Quốc; đồng thời, mở rộng nghiên cứu và phát triển khoáng sản trong nước. Kết quả là thị phần toàn cầu của Trung Quốc giảm từ 95% xuống 70%.

Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nếu vội vàng đưa ra những chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào thời điểm này. Mỹ hoàn toàn có thể khai thác “điểm yếu” chất bán dẫn nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Mỹ biết các chiến thuật để triển khai trong những tình huống như vậy, tích trữ tài nguyên trong khi tăng cường năng lực và chuyên môn trong nước hoặc đồng minh, và rồi họ sẽ sử dụng chính những vũ khí được chuẩn bị để chống lại mình quay lại tổn thương đối thủ của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc chiến đất hiếm: Trung Quốc tăng sản lượng quyết đấu Mỹ!

    Cuộc chiến đất hiếm: Trung Quốc tăng sản lượng quyết đấu Mỹ!

    06:00, 12/11/2019

  • BMW và Jaguar Land Rover nói lời “chia tay” với

    BMW và Jaguar Land Rover nói lời “chia tay” với "đất hiếm" của Trung Quốc

    11:00, 15/06/2019

  • Nếu mất nguồn cung đất hiếm Mỹ có lựa chọn Việt Nam?

    Nếu mất nguồn cung đất hiếm Mỹ có lựa chọn Việt Nam?

    02:35, 04/06/2019

  • Đất hiếm sẽ trở thành “vũ khí” mới trong chiến tranh thương mại?

    Đất hiếm sẽ trở thành “vũ khí” mới trong chiến tranh thương mại?

    06:00, 20/10/2018

CẨM ANH