Hiện nay Trung Quốc đang là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, rất có khả năng đây sẽ trở thành “vũ khí” để đáp trả lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Cuối tháng 5/2019, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết "Bắc Kinh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đất hiếm của những quốc gia khác, nhưng "không chấp nhận" quốc gia nào sử dụng đất hiếm của Trung Quốc để sản xuất, sau đó quay lại kìm hãm Trung Quốc".
Mặc dù không rõ là quốc gia nào đang bị Bắc Kinh ám chỉ, tuy nhiên chuyến thăm một nhà máy khai thác đất hiếm trong tháng 5 của Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm dấy lên suy đoán Trung Quốc có thể sử dụng vai trò là nhà xuất khẩu đất hiếm hàng đầu sang Mỹ làm đòn bẩy trong chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Trong khi đó, Hãng thông tấn nhà nước Xinhua hôm 29/5 có bài viết khẳng định "nếu bất kỳ ai muốn dùng đất hiếm nhập khẩu để chống lại Trung Quốc, người Trung Quốc sẽ không đồng ý". Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm của thế giới và 80% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ là đến từ Trung Quốc. Thực tế, rất ít nhà cung cấp thay thế có thể cạnh tranh với Trung Quốc, nơi có 37% trữ lượng đất hiếm toàn cầu.
Theo chủ tịch công ty tư vấn ThREE Consulting, Trung Quốc có thể đóng cửa gần như mọi dây chuyền lắp ráp ô-tô, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay bên ngoài Trung Quốc nếu họ ra lệnh cấm vận loại vật liệu này.
Vì thế, nếu Trung Quốc sử dụng "vũ khí" đất hiếm, tình huống này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà còn tác động đến khả năng cạnh tranh, thậm chí có thể tạm dừng thị trường xe hơi chạy bằng pin phụ thuộc vào vật liệu đất hiếm của Mỹ.
Nhưng không phải là không có cơ hội cho quốc gia khác, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ năm ngoái ước tính có 120 triệu tấn đất hiếm toàn cầu, bao gồm 44 triệu tấn ở Trung Quốc, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò đã phát hiện và ghi nhận nhiều mỏ, điểm quặng đất hiếm trên lãnh thổ Việt Nam. Nguồn tài nguyên đất hiếm tại Việt Nam được đánh giá có trữ lượng 11 triệu tấn và dự báo là 22 triệu tấn. Việt Nam cũng được giới khoa học đánh giá có thể đứng thứ 3 trên thế giới về tiềm năng đất hiếm.
Các mỏ đất hiếm gốc tập chung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Mỏ lớn nhất nằm ở Bắc Nậm Xe (Lai Châu). Ngoài ra, một số quặng đất (sa khoáng) hiếm nhỏ nằm rải rác khu vực ven biển từ Quảng Ninh - Vũng Tàu.
Đây chính là cơ hội và tiềm năng xuất khẩu loại khoáng sản này. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, các mỏ đất hiếm chưa đi vào khai thác công nghiệp có hiệu quả. Đáng chú ý, việc khai thác đất hiếm có tác động rất xấu đến môi trường. Rõ ràng không phải chỉ Trung Quốc có đất hiếm nhưng nhiều quốc gia lại chấp nhận nhập khẩu bởi lo ngại từ tác động tiêu cực đến môi trường. Đã từ 3 thập kỷ nay, Mỹ không còn đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, đã giảm dần lượng khai thác vì ô nhiễm và quay sang mua của Trung Quốc vì giá rẻ. Việc khai thác đất hiếm tạo ra chất thải độc hại và có nguy cơ thải ra chất phóng xạ.
Như vậy, nếu Việt Nam muốn khai thác có hiệu quả phải có giải pháp không làm ảnh hưởng tới môi trường và các giải pháp bảo hộ lao động. Theo quy định khi khai thác bất kỳ khoáng sản nào, các doanh nghiệp (kể cả trong hay ngoài nước) đều phải có bảng đánh giá tác động về môi trường được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt.