Ấn Độ vượt lên Trung Quốc trong cuộc chạy đua vắc xin COVID-19
Là một trong những nước tham gia “đường đua” sản xuất vắc xin COVID-19, Ấn Độ đang dần vượt qua Nga và Trung Quốc để giành tầm ảnh hưởng.
Trong khi các nước lớn vẫn đang loay hoay tìm nguồn cung vắc xin COVID-19 để tiến hành tiêm chủng diện rộng, Ấn Độ đã gửi hàng triệu liều sang các nước láng giềng như Nepal, Bangladesh và Sri Lanka, giúp người dân những quốc gia này nhận tiếp cận được nguồn vắc xin sớm với giá thành rẻ.
Các nhà lập pháp Sri Lanka cho biết, nhờ vắc xin của Ấn Độ, quốc gia này đã có thể bắt đầu tiêm phòng ngay lập tức. Trước đó, Reuters đưa tin, Ấn Độ đã lên kế hoạch cung cấp từ 12 đến 20 triệu liều vắc xin cho các nước trong khu vực Nam Á trong đợt hỗ trợ đầu tiên kéo dài trong vài tuần.
Từ giữa tháng 1/2021, Ấn Độ đã quyên tặng 2 triệu liều cho Bangladesh, 150.000 liều cho Bhutan, 1,5 triệu cho Miến Điện, 100.000 liều cho Maldives, 100.000 liều cho Mauritius, 1 triệu liều cho Nepal, 200.000 liều cho các quốc gia đảo Thái Bình Dương, 50.000 liều cho Seychelles và 500.000 liều cho Sri Lanka. Ấn Độ cũng quyên tặng vắc xin cho Bahrain, Nicaragua và Oman.
Có thể thấy, Đại dịch COVID-19 đã mang đến cho Ấn Độ cơ hội gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Ngành công nghiệp dược phẩm, đặc biệt là Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nhà máy sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới khi chiếm gần 50% thị phần đã đưa quốc gia Nam Á này trở thành nhà cung cấp chính các loại thuốc thiết yếu cho những quốc gia đang phát triển.
Lawrence Gostin, Giám đốc viện O’Neil về Luật y tế quốc gia và toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết, Ấn Độ, đặc biệt là Viện Huyết thanh, chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối vắc xin ngừa COVID-19 ra thế giới, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Không thể chối bỏ năng lực sản xuất vắc xin của Ấn Độ khi chính phủ đã liên tục đầu tư vào việc nâng cấp công nghệ cũng như chất lượng nguồn nhân lực, cũng như đảm bảo tất cả các yếu tố của chuỗi cung ứng luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng.
Bên cạnh việc triển khai tiêm chủng cho người dân, khả năng sản xuất của quốc gia này đã làm nguồn cung vượt xa nhu cầu. Giới chức đất nước cho biết, hiện Ấn Độ có thể xuất khẩu hàng triệu liều vắc xin dư thừa để phân phối ra thế giới.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định, việc Ấn Độ quyết định đi nhanh hơn Trung Quốc trong việc cung cấp vắc-xin có thể xuất phát từ việc, New Delhi muốn cạnh tranh và giành lại tầm ảnh hưởng với Bắc Kinh trong khu vực Nam Á.
“Trước đây, Ấn Độ không tìm cách giành quyền lực mềm thông qua việc viện trợ y tế. Từ trước đến nay, New Delhi vẫn được xem như đối tác hữu ích trong việc cung cấp thuốc men và vắc xin với giá cả phải chăng và dễ vận chuyển hơn, phù hợp với các nước có thu nhập thấp”, ông Gostin cho biết. “Nhưng trong những năm gần đây, việc Trung Quốc liên tục gia tăng sự hiện diện tại Nam Á đã đe dọa đến lợi ích và an ninh của Ấn Độ. Và COVID-19 đã mang lại cơ hội để New Delhi đảo ngược điều này”.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều nghi ngại xoay quanh tính hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 của Ấn Độ. Vừa qua, Nam Phi đã yêu cầu Viện Serum Ấn Độ nhận lại 1 triệu liều vắc xin sau một thử nghiệm lâm sàng cho thấy loại vắc xin này không thực sự hiệu quả trước chủng biến thể mới của SARS-CoV-2.
Kết quả thí nghiệm do Đại học Witwatersrand (Nam Phi) và Oxford (Anh) thực hiện cho thấy, vắc xin do Ấn Độ cung cấp chỉ có khả năng bảo vệ tối thiểu, chống lại sự lây nhiễm nhẹ hoặc trung bình từ biến thể Nam Phi ở những người trẻ tuổi.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu không thể xác định được hiệu quả của vắc xin trong những trường hợp bệnh nặng, nhập viện hoặc có nguy cơ tử vong, vì các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu rơi vào những trường hợp đó rất thấp.
Nissy Solomon, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công (CPPR) đánh giá, việc cung cấp vắc xin không phải là vấn đề so với việc bảo quản, phân phối và tính hiệu quả của nó. Nhưng với những tiềm lực của Ấn Độ hiện nay, việc cải tiến vắc xin COVID-19 để ngăn ngừa được các chủng mới sẽ nhanh chóng hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều câu hỏi xung quanh việc Ấn Độ đạt miễn dịch cộng đồng
14:16, 17/02/2021
Tiêm vắc xin COVID-19: Chờ phiếu kiểm định chất lượng của phía Hàn Quốc
18:13, 02/03/2021
Thủ tướng yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân trong tuần này
14:52, 02/03/2021
Có thể ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 chỉ bằng một mũi vắc xin?
06:30, 02/03/2021