Thấy gì từ việc Vương quốc Anh đẩy mạnh hiện diện tại Ấn Độ - Thái Bình Dương?
Mặc dù sự tham gia của Vương quốc Anh được hoan nghênh trong khu vực, nhưng về lâu dài, cần phải làm rõ sự hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương của họ sẽ kéo theo những hệ quả gì?
Kể từ năm 2016, chiến lược “Nước Anh toàn cầu” đã được nhắc đến để báo hiệu tham vọng và ý định của Vương quốc Anh nhằm xây dựng chính sách ngoại giao độc lập bên trong và ngoài Liên minh Châu Âu.
Không giống như Pháp, Đức và Hà Lan, trước đó Vương quốc Anh chưa từng công bố một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chính thức nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson đã công bố những thay đổi chiến lược quan trọng.
Dự kiến, chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh sẽ chính thức được tiết lộ vào cuối năm 2021, nhưng trong bản đánh giá về chính sách ngoại giao và quốc phòng của chính phủ nêu bật tuyên bố xoay trục về "trung tâm địa chính trị" mới của thế giới là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về mặt quân sự, Anh đã nhấn mạnh việc tàu sân bay Queen Elizabeth sẽ được triển khai tới khu vực và công bố về một chuyến thăm Ấn Độ vốn bị hoãn trước đó sẽ diễn ra vào tháng 4 tới.
Theo Reuters nhận định, nhiều khả năng động thái Anh tăng cường ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối trọng với Trung Quốc. Đồng thời, việc này cũng sẽ vạch ra phương hướng hoàn thành các mục tiêu tương lai của Thủ tướng Boris Johnson để đưa Anh đi đầu trong một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đặt nền tảng trên hợp tác và thương mại tự do.
Cụ thể hơn, theo Manisha Reuter, chuyên gia tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), trong quá khứ, Anh đã có những tầm nhìn nhất định về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 chính là một bước ngoặt khi thúc đẩy London tìm kiếm các khoản đầu tư từ các nền kinh tế mới nổi trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Vào thời điểm đó, chính phủ Anh hiểu rằng trọng tâm kinh tế đang dịch chuyển về phía đông. Tuy nhiên, điều này đã dẫn tới cơ hội cho các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc tiếp cận với những cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Anh”, chuyên gia này cho biết.
Thậm chí, ngay cả khi Anh chào đón các khoản đầu tư của Trung Quốc, thì nước này cũng công nhận Trung Quốc là một mối đe dọa, đặc biệt là ở Biển Đông. Từ năm 2012, khi Anh ký hiệp ước quốc phòng với Nhật Bản, hoạt động chiến lược của quốc gia này trong khu vực đã tăng đều đặn.
Điều này cũng bao gồm các cuộc tập trận hải quân với Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như tiến hành các hoạt động tự do hàng hải của HMS Argyll vào năm 2018 để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào thời điểm đó, Anh là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ làm được như vậy.
Chính vì vậy, ngay sau khi rời khỏi EU, Anh đã ngay lập tức đánh giá lại chính sách ngoại giao và tăng cường các mối quan hệ thương mại với các đối tác ngoài khu vực châu Âu, và nhắm tới việc xây dựng mối quan hệ với các nền kinh tế năng động nhất tại châu Á; đồng thời tiếp tục xác định Trung Quốc là mối đe dọa đến an ninh và lợi ích của quốc gia.
Có thể thấy, giống như các đồng minh khác, Anh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở đối với sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu, Tuy nhiên, địa lý là yếu tố ngăn cản chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Anh trở nên tham vọng hơn. Do đó, giới quan sát cho rằng, chiến lược này sẽ mang tính chất ‘nghiêng’ hơn là ‘xoay trục’.
Nhưng, với việc duy trì các cơ sở hải quân ở Bahrain, Oman và Singapore, đồng thời tiến hành nhiều thỏa thuận song phương với Nhật Bản, và sắp tới là với Ấn Độ cũng như tăng cường tương tác với các lực lượng Hoa Kỳ, dường như Vương quốc Anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng để quay lại châu Á.
Có thể bạn quan tâm