Hủy thỏa thuận BRI, Úc gia tăng căng thẳng với Trung Quốc
Mới đây, Chính phủ Úc đã tuyên bố hủy các thỏa thuận giữa chính quyền bang Victoria, Úc với Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai, Con đường.
Cụ thể, Ngoại trưởng Marise Payne đã quyết định hủy bỏ 4 thỏa thuận, bao gồm 2 thỏa thuận giữa bang Victoria ký với Trung Quốc lần lượt vào năm 2018 và 2019.
“Tôi cho rằng 4 thỏa thuận trên không phù hợp với chính sách đối ngoại của Úc hoặc mang đến bất lợi trong quan hệ đối ngoại của chúng ta”, Reuters dẫn lời ngoại trưởng Úc giải thích.
Bộ Ngoại giao Úc vẫn đang tiếp tục rà soát các thỏa thuận khác có sự tham gia của chính phủ nước ngoài tại quốc gia này. Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa các trường đại học Úc với các tổ chức do chính phủ Trung Quốc tài trợ cũng có thể bị sờ gáy.
Cơ sở cho việc hủy 4 thỏa thuận này là một đạo luật được thông qua vào năm ngoái. Theo đạo luật đó, chính phủ liên bang có quyền hủy những thỏa thuận của các bang với các cơ quan nước ngoài trong một số lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hợp tác thương mại, du lịch, văn hóa, khoa học, sức khỏe, giáo dục và đào tạo, nếu xét thấy chúng đe dọa an ninh quốc gia.
Ngay lập tức, Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc đã đưa ra thông báo nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối và không hài lòng trước quyết định của Canberra. Thông cáo cảnh báo động thái của Úc sẽ làm tổn hại thêm nữa mối quan hệ song phương.
Có thể thấy, chính phủ Úc đang nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại Úc. Trước đó, chính quyền bang Victoria đã cam kết phối hợp triển khai các dự án cơ sở hạ tầng với phía Trung Quốc theo hình thức hợp tác công - tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh đã liên tục cảnh báo, các dự án tiến hành theo hình thức hợp tác công - tư ngày càng đưa lại những kết quả khó đoán, với rủi ro an ninh quốc gia ngày càng tăng, đặc biệt là với những dự án từ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, đồng thời làm giảm ảnh hưởng của Úc trong khu vực.
Bên cạnh đó, Chen Hong, giáo sư kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Úc tại Đại học Sư phạm Hoa Đông nhận định trên Thời báo Hoàn cầu rằng, bằng cách sử dụng luật nội địa này, về cơ bản, Úc đã bắn phát súng lớn đầu tiên chống lại Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
“Về phía chính quyền Úc, điều này gửi đi lời khẳng định quyền kiểm soát đối với các chính sách ngoại giao; đồng thời là tín hiệu đến Bắc Kinh rằng quốc gia này sẽ không cho phép chính quyền các bang thực hiện các giao dịch như vậy nữa”, ông cho biết.
Mặt khác, việc hủy bỏ các dự án với Trung Quốc đã cho thấy rõ các lập trường chính sách ngoại giao của chính quyền Thủ tướng Scott Morrison khi động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga gặp nhau tại Nhà Trắng hôm 16/4, để trao đổi về kế hoạch hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cao tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dự kiến có sự tham gia của cả Úc và Ấn Độ.
Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã ngày một trở nên xấu đi sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập đối với nguồn gốc virus corona gây ra đại dịch Covid-19. Điều này đã dẫn tới việc Bắc Kinh đáp trả bằng một loạt biện pháp trả đũa thương mại, như áp thuế đối với lúa mạch và rượu vang, đồng thời cấm nhập khẩu than đá từ Úc.
Chính vì vậy, ông Chen cảnh báo, hủy bỏ các dự án BRI là một bước đi có tính toán và cân nhắc của chính quyền Úc đối với Trung Quốc và cho thấy rõ ý định của Canberra là muốn leo thang căng thẳng với Bắc Kinh chứ không phải là hạ nhiệt. Điều này có thể khiến Bắc Kinh đáp trả mạnh mẽ, thậm chí có thể gây thiệt hại không chỉ cho nền kinh tế Úc mà còn cho thương mại song phương giữa Trung Quốc và Australia.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội nhận tài trợ từ Australia cho các sáng kiến số hóa
06:48, 16/03/2021
Facebook sẽ thiệt hại bao nhiêu nếu mất thị trường Australia?
15:27, 22/02/2021
Australia: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ hệ thống xử lý nước sau lũ
18:39, 15/12/2020
Bộ tứ Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản họp nhóm: Trung Quốc mất dần lợi thế!
03:00, 07/10/2020