Nguy cơ bùng nổ "điểm nóng" COVID-19 trên toàn cầu
Nhiều quốc gia đang có nguy cơ trở thành "điểm nóng" của dịch COVID-19 như Ấn Độ, dấy lên lo ngại một đợt dịch mới tàn khốc hơn sẽ lan rộng trên toàn cầu.
Hiện nay, nhiều quốc gia tại Nam Á và Đông Nam Á cũng đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch tồi tệ chưa từng có. Sau Ấn Độ, các nước láng giềng của Ấn Độ, từ Nepal ở phía bắc cho đến Sri Lanka và Maldives ở phía nam đang đối mặt với việc các ca nhiễm mới tăng nhanh mỗi ngày.
Sri Lanka đang trải qua làn sóng COVID-19 mới kể từ giữa tháng 4, với các ca nhiễm nhanh chóng vượt qua đỉnh của đợt dịch trước vào tháng 2. Vào ngày 8/5, quốc đảo Nam Á đã báo cáo 1.896 trường hợp mắc bệnh mới - cao gần gấp 5 lần số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày vào đầu tháng 4.
Tương tự, tại khu vực Đông Nam Á, bệnh nhân mắc COVID-19 cũng gia tăng tại Thái Lan, Campuchia và Indonesia. “Khu vực Đông Nam Á báo cáo hơn 2,7 triệu trường hợp nhiễm virus corona và 25.000 người tử vong, tăng lần lượt 19% và 48% so với số liệu từ tuần trước. Ấn Độ chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng này”, WHO cho biết.
Tại khu vực châu Phi, các bác sĩ Ai Cập cũng cảnh báo hệ thống y tế quốc gia này có thể sụp đổ trong làn sóng lây nhiễm thứ ba, ngay cả khi chính phủ gấp rút cung cấp vật tư mới. Số ca mới trung bình hàng ngày đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng hai lên hơn 1.000 ca và tiếp tục tăng, so với mức đỉnh trước đó là 1.400-1.600 ca một ngày vào mùa hè năm ngoái và vào tháng 12/2020, theo số liệu chính thức.
Đợt dịch COVID-19 mới đã gây một áp lực khổng lồ lên hệ thống y tế khiến một số nước đã phải kêu gọi trợ giúp quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng ngày càng sâu sắc. Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFRC Alexander Matheou tuyên bố: “Thế giới cần phải hành động lập tức để có hy vọng ngăn chặn thảm họa nhân loại này. Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tràn qua biên giới các nước và đang hoành hành khắp châu Á”.
Mặc dù các quốc gia đang đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 mới đang cố gắng đảm bảo họ không rơi vào vực thẳm giống Ấn Độ. Nhưng họ đang đối mặt với nhiều rủi ro giống Ấn Độ, bao gồm hệ thống y tế công cộng mỏng manh và nhiều người dân phớt lờ hạn chế phòng dịch, cũng như nguồn cung vắc xin không đủ để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cho biết, trong hai tuần qua, thế giới ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn so với 6 tháng đầu đại dịch. Ấn Độ và Brazil chiếm phần lớn trong số đó, nhưng vẫn còn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới phải đối mặt với tình trạng rất mong manh. "Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ và Brazil có thể xảy ra ở những nơi khác trừ khi tất cả chúng ta thực hiện các biện pháp phòng ngừa y tế công cộng", ông nhấn mạnh.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, đây không chỉ là vấn đề của riêng Ấn Độ mà là của toàn thế giới. Với sự xuất hiện của biến thể COVID-19 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan cực kỳ nhanh chóng và làm giảm hiệu quả của vắc xin. Một số cơ quan y tế quốc gia, bao gồm cả ở Mỹ và Anh, cho biết họ coi B.1.617 là một biến thể đáng lo ngại.
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều nước nghèo trên thế giới vẫn đang phải vật lộn để tìm kiếm nguồn cung vắc xin. Nếu việc trì hoãn cung cấp vắc xin tiếp tục diễn ra, Trưởng nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới WHO Soumya Swaminathan cảnh báo, các điểm nóng Covid-19 sẽ tiếp tục bùng lên, tạo điều kiện cho các biến thể mới và nguy hiểm hơn nữa phát triển và thích nghi và lan rộng đến các nước khác, thậm chí là tới những nước đã tiêm chủng rộng tãi như Mỹ. “Càng nhiều biến thể xuất hiện thì chúng càng có khả năng kháng với các loại vắc xin hiện tại”, bà khẳng định.
Có thể bạn quan tâm