Quốc hội thông qua cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới
Sáng 23/7, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.
Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025.
Sau đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 với 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ.
Theo đó, 100% đại biểu Quốc hội có mặt (470 đại biểu) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025. Nghị quyết có hiệu lực sau khi được Quốc hội thông qua.
Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 giữ nguyên cơ cấu 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ. Với 470 đại biểu tham gia biểu quyết đều đồng tình thông qua Nghị quyết, đạt tỷ lệ 94,19% tổng số đại biểu Quốc hội.
Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ giữ ổn định với 18 Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Bốn cơ quan ngang Bộ cũng giữ ổn định, gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, vào ngày 22/7, khi trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số cơ quan và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số Bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng và xuất phát từ tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo thực hiện "mục tiêu kép" vừa quyết liệt chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...
Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV với 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ tiếp tục được tổ chức theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện. Điều này đã khắc phục cơ bản sự chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Mặt khác, cơ cấu tổ chức bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã từng bước được sắp xếp, kiện toàn bước đầu tinh gọn; các tổ chức ngành dọc như thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, thống kê, thi hành án dân sự... được tổ chức quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng đề nghị Quốc hội giữ nguyên cơ cấu tổ chức Chính phủ
12:13, 22/07/2021
Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội: "Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh"
10:38, 22/07/2021
Đại biểu Quốc hội đề xuất ban hành nghị quyết khẩn cấp phòng chống COVID-19
20:00, 21/07/2021
Quốc hội giám sát những việc dân bức xúc
12:48, 21/07/2021
Thứ trưởng Bộ Công an làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội
10:10, 21/07/2021
Kỳ vọng lớn vào công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khoá mới
07:00, 21/07/2021
Tân Chủ tịch Quốc hội khóa XV tuyên thệ nhậm chức
15:18, 20/07/2021