Quốc hội khoá mới phải thay đổi về chất và lượng trong công tác làm luật, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng luật, pháp lệnh.
Tại kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa XV, với số phiếu tuyệt đối (các đại biểu có mặt), ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV tiếp tục được các đại biểu tín nhiệm, bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội đánh giá, với tỷ lệ 99,89% cử tri Hải Phòng bầu ông Vương Đình Huệ làm Đại biểu quốc hội và 95,19% các đại biểu bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch Quốc hội khoá XV cho thấy cử tri và đại biểu Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một giáo sư, tiến sỹ kinh tế, một nhà sư phạm, nhà kinh tế, nhà chính trị, chắc chắn Quốc hội sẽ hoạt động thực chất, thực quyền hơn nữa.
Đúng là, Quốc hội khóa 14 là nhiệm kỳ Quốc hội rất thành công, nhưng hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định. Tính dự báo trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao, chương trình còn phải điều chỉnh nhiều.
Việc lấy ý kiến về dự án có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; có nội dung đánh giá tác động chính sách chưa sâu, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn các phương án đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Một số luật có tính khả thi chưa cao, vẫn còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, phải sửa đổi, bổ sung; không ít quy định còn chung chung, khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…
Liên quan đế vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ từng đặt vấn đề về câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật khi chỉ ra 3 khuyết tật đó là: “Khuyết tật thứ nhất, mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất nhiều thời gian nghiên cứu ban hành.
Khuyết tật thứ hai, văn bản pháp luật đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình trong đó có xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền bộ, ngành khác.
Khuyết tật thứ ba, vòng đời của các văn bản pháp luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian kinh phí để ban hành văn bản pháp luật thay thế”.
Chính ông Nguyễn Hạnh Phúc khi còn giữ chức Tổng thư ký Quốc hội xác định ván đề: Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác chuẩn bị dự án, dự thảo; chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn, nhất là việc gửi dự án luật đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đồng thời, hiện chưa có đầy đủ các chế tài trong việc xử lý đối với trường hợp không tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, một vấn đề rất quan trọng ở đây là cần thiết có sự liêm chính trong xây dựng pháp luật. Bởi sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội. Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều “khuyết tật”.
Trong bối cảnh đó, nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội kỳ vọng lớn vào ông Vương Đình Huệ. Thực tế, ông đã chứng minh được nhiều điều khi với tư duy và tầm nhìn chiến lược, ông đã lãnh đạo, tập trung tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” để tạo dư địa và động lực mới cho Hà Nội phát triển trong những năm tới, nhất là việc phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử; đề ra nhiều quan điểm phát triển mới cho Thành phố, nhất là phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị, kinh tế số, phát triển công nghiệp văn hóa, phát huy nguồn lực con người...
Đặc biệt, từ ngày 31/3/2021 đến nay, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, cũng là thời điểm đất nước đối mặt với những khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cùng với Quốc hội có những quyết sách quan trọng để hỗ trợ, đồng hành với Chính phủ trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.
Và ở lần thứ hai nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ nguyện cống hiến hết sức mình vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chính Cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng, tin tưởng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng với gần 500 đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ XV sẽ có những đổi mới mang tính đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của Quốc hội, nhất là trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Có thể bạn quan tâm
15:10, 20/07/2021
12:00, 20/07/2021
11:40, 20/07/2021
08:54, 20/07/2021
08:20, 20/07/2021
05:00, 20/07/2021