Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới

LINH NGA 16/03/2022 19:51

Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch vừa ban hành phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới

>>Du khách nhập cảnh không phải cách ly, trẻ dưới 2 tuổi không xét nghiệm

fd

Mục đích của phương án là từng bước mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế sau thời gian triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Theo đó, mục đích đưa ra là khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021. Quán triệt triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 07/3/2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Từng bước mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế sau thời gian triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Đồng thời, xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Phương án, tạo sự thống nhất giữa các bên để phục hồi và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Về chính sách thị thực, thực hiện theo Nghị quyết số 32/NQ-CP về việc miễn thị thực công dân các quốc gia bao gồm: Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hoà Belarus chính thức được miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh. Công văn số 1606/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ ngày 15/3/2022 về việc khôi phục chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quy định liên quan. 

Về yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: Cụ thể: Đối với khách nhập cảnh qua đường hàng không: phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận. 

Đối với khách nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sắt, đường biển: phải có xét nghiệm như đối với yêu cầu tại điểm nêu trên. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như quy định tại điểm nêu trên, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh (bằng phương pháp bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2). Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép nhập cảnh và tham gia hoạt động du lịch, nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

fd

Từ ngày 15/3/2022 mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới.

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Khách du lịch phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID), thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Tại cửa khẩu nếu khách du lịch có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.

Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, khách du lịch tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 ( sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời; thực hiện các biện pháp phòng bệnh: thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh; hạn chế tiếp xúc gần với người xung quanh.

Khách du lịch có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD.

Đảm bảo các điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định pháp luật xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quy định liên quan khác khi du lịch tại Việt Nam.

Yêu cầu đối với khách du lịch ra nước ngoài (outbound): Tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ tham quan du lịch.

Đối với hoạt động du lịch nội địa: Quán triệt Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại văn bản số 4698/BVHTTDL-TCDL ngày 16/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

Thực hiện Hướng dẫn số 3862/BVHTTDL-TCDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Các địa phương công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng.

Về phối hợp tổ chức thực hiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022 và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai Phương án đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam’’ - Sống trọn vẹn tại Việt Nam đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa.

Phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ kiểm tra các doanh nghiệp du lịch thực hiện các công tác liên quan, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực du lịch để phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch.

Chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành thường xuyên cập nhật các hướng dẫn y tế phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Việt Nam để thông tin cho khách du lịch, đối tác nước ngoài.

Bộ Y tế cập nhật các hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh, ban hành văn bản hướng dẫn quy trình phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với đối tượng khách du lịch nhập cảnh từ ngày 15/3/2022. Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường bộ, đường biển và tại cơ sở lưu trú.

Chỉ đạo cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu kiểm tra, bảo đảm điều kiện nhập cảnh của khách về mặt y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh. Phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị các phương án cách ly y tế, xử lý rủi ro trong trường hợp bùng phát dịch, nhất là đối với các chủng vi rút biến thể mới. Hướng dẫn tổ chức tiêm phòng COVID-19 khi khách có nhu cầu sau khi nhập cảnh vào Việt Nam….

Bộ Công an/ Bộ Quốc phòng tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, doanh nghiệp dịch vụ lữ hành quốc tế triển khai các thủ tục cấp thị thực, nhập xuất cảnh theo quy định; phối hợp hỗ trợ trong đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự cho khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới….

Bộ Ngoại giao thông báo rộng rãi thời gian, nội dung mở cửa lại hoạt động du lịch của Việt Nam cho các đối tác, doanh nghiệp du lịch tại các thị trường quốc tế. Cập nhật, công bố mẫu Chứng nhận tiêm chủng của các quốc gia, vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận. Phối hợp với Bộ Y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương trong việc truyền thông, xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hướng dẫn các hãng hàng không thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên các chuyến bay theo quy định; thông báo cho hành khách các quy định về phòng chống dịch COVID-19, quy định về an ninh, an toàn trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường sắt cũng như quy định về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế; chỉ đạo các hãng hàng không phối hợp với cơ quan chức năng đảm bảo khách tuân thủ đúng quy định về xuất nhập cảnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống cơ sở thông tin, tuyên truyền các nội dung phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới và theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiếp tục hoàn thiện Ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 (PC-COVID) để hỗ trợ khách nhập cảnh trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chuẩn bị các điều kiện để mở cửa hoạt động du lịch, phối hợp giữa các địa phương phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới độc đáo, chất lượng theo từng giai đoạn, từng thị trường hướng đến, thống nhất quy trình đón khách đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, có phương án xử lý sự cố y tế phát sinh liên quan đến hoạt động du lịch, kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị trên địa bàn với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch. 

Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả từ 15/3/2022. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.

fd

Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 11/03/2022.

Đối với doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn theo Phương án này và Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL, các quy định có liên quan của ngành Du lịch, ngành Y tế và địa phương. Triển khai các hoạt động xây dựng sản phẩm, quảng bá, truyền thông, kích cầu du lịch nội địa và quốc tế, kết nối điểm đến; phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch…

Trước thời điểm mở cửa du lịch ngày 15/3, tại Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 11/03/2022, các ý kiến tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan tới: Đảm bảo an toàn trong việc phòng chống dịch, công nhận hộ chiếu vắc-xin và miễn giảm thủ tục thị thực (visa) cho khách du lịch quốc tế, sự sẵn sàng về cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực phục vụ khách du lịch, thị trường khách và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, các đường bay quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch... 

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines đưa ra 5 kiến nghị để du lịch Việt Nam thực sự “cất cánh”. Theo đó, du lịch Việt Nam cần quan tâm đến chính sách xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia để quảng bá du lịch Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình hộ chiếu vaccine tham gia các hệ thống chung của quốc tế để đơn giản hóa thủ tục cho du khách. Ban hành quy định, thủ tục, hướng dẫn cho khách du lịch quốc tế, liên tục cập nhật trên các phượng thông tin đại chúng. Phối hợp giữa các ban, ngành, doanh nghiệp trong chuỗi hàng không, du lịch để xây dựng lộ trình phát triển điểm đến Việt Nam, chỉ rõ vai trò của các bên tham gia, có các chính sách thuận lợi, ưu đãi phù hợp cho các doanh nghiệp tham gia.

Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, để phục vụ luồng khách nội địa và khách quốc tế, ngành du lịch cần chuẩn bị điều kiện để nâng cao chất lượng phục vụ là rất quan trọng. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực là một khâu quan trọng. Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, từ phía Nhà nước cũng cần có chế độ hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính. Như: Nhà nước có thể cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính tín dụng, cho vay lãi suất thấp đề các doanh nghiệp có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch quốc tế và Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • MỞ CỬA DU LỊCH: Du khách nhập cảnh không phải cách ly, trẻ dưới 2 tuổi không xét nghiệm

    MỞ CỬA DU LỊCH: Du khách nhập cảnh không phải cách ly, trẻ dưới 2 tuổi không xét nghiệm

    11:20, 16/03/2022

  • Cần những chính sách “bản lề” cho du lịch Việt

    Cần những chính sách “bản lề” cho du lịch Việt

    11:00, 16/03/2022

  • Huyện Lâm Bình: Phát triển du lịch thông minh là hướng đi đột phá

    Huyện Lâm Bình: Phát triển du lịch thông minh là hướng đi đột phá

    10:48, 16/03/2022

  • MỞ CỬA DU LỊCH: Doanh nghiệp du lịch dần vơi nỗi lo

    MỞ CỬA DU LỊCH: Doanh nghiệp du lịch dần vơi nỗi lo

    04:00, 16/03/2022

  • MỞ CỬA DU LỊCH: Bình đẳng khách quốc tế và nội địa

    MỞ CỬA DU LỊCH: Bình đẳng khách quốc tế và nội địa

    03:55, 16/03/2022

  • MỞ CỬA DU LỊCH: Hải Phòng đã sẵn sàng!

    MỞ CỬA DU LỊCH: Hải Phòng đã sẵn sàng!

    03:05, 16/03/2022

  • MỞ CỬA DU LỊCH: Quy định với khách quốc tế sẽ thông thoáng

    MỞ CỬA DU LỊCH: Quy định với khách quốc tế sẽ thông thoáng

    02:00, 16/03/2022

LINH NGA