Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam
Diễn đàn Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam nhằm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các điểm đến để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch mới phục vụ khách du lịch cả nội địa và quốc tế.
>>>Liên kết giữa du lịch và văn hóa
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng lưu ý các doanh nghiệp lữ hành phải thực hiện nhiệm vụ là nơi liên kết giữa nhu cầu và điểm đến hiện thực bằng cách kết nối nhiều điểm đến để tạo ra các tour tuyến.
Bộ trưởng đánh giá, trước đây mức độ chi tiêu của khách quốc tế theo thống kê là 1.500 USD đối với khách Thái Lan, còn Việt Nam là 1.100 USD hoặc dưới 1.000 USD. Nhưng hiện nay lượng khách nội địa đã chi tiêu vượt khách quốc tế. Đến nay, có thể thấy bức tranh sáng màu của du lịch Việt Nam sau dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hiện tại, các thị trường truyền thống đã trở lại, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 37,5%. Doanh thu của lữ hành cũng tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Khánh Hòa tăng 558%, TP.HCM tăng 111,4%… Tuy vậy, gánh nặng quá tải luôn thường trực ở các điểm đến trọng điểm của cả nước.
Do đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần có tư duy mới, hành động mới trên cơ sở nhận diện thực trạng du lịch như vừa qua. Tư duy đó gồm “Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa và kết nối”.
“Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 60 triệu lượt khách nội địa. Thời điểm hiện nay, chúng ta đã đạt trên 71 triệu khách du lịch nội địa. Điều này cho thấy bức tranh sáng màu của ngành du lịch Việt Nam, chứng minh hướng đi đúng của ngành du lịch khi chúng ta coi nội địa là bệ đỡ của du lịch quốc tế, đi trên đôi chân của mình, vừa chú ý đến thị trường nội địa, vừa từng bước tiếp cận để khai thác thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhận định.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là năm triển khai thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau 2 năm thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19. TP.HCM đang tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực để phục hồi kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 8 - 8,5%/năm. Bà Thắng cho rằng, đối với TP.HCM, du lịch là ngành quan trọng trong nền kinh tế.
Cụ thể, trong 7 tháng của năm 2022, ngành du lịch Thành phố đã có những khởi sắc đáng khích lệ khi đã đón khoảng 13 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng hơn 765.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu du lịch ước đạt 60 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 76% so với kế hoạch năm 2022.
Theo bà Phan Thị Thắng, điểm nhấn trong sự kiện "Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam" là “Diễn đàn Lữ hành toàn quốc năm 2022” và hội thảo “Đào tạo nhân lực đạt chuẩn quốc tế cho các khách sạn cao cấp trong giai đoạn mới”. Thông qua hai hoạt động trên, Thành phố kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp thu hút mạnh mẽ du khách từ thị trường quốc tế đến Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung sau đại dịch COVID-19.
"Việc khôi phục ngành du lịch phải bao gồm cả thị trường khách quốc tế chứ không riêng thị trường nội địa. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn rất khiêm tốn so với trước đại dịch COVID-19", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Gruop đánh giá, tình trạng quá tải du lịch đã và đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các thị trường quốc tế. Đối với du lịch nước ta, nếu chưa phục hồi du lịch quốc tế thì chưa thể phục hồi du lịch Việt Nam. Chưa phục hồi du lịch Việt Nam thì chưa thể phục hồi hoàn toàn kinh tế Việt Nam trong thời gian sau dịch.
Từ đó, ông Tài kiến nghị, trong thời gian còn lại của năm nay ngành du lịch cần có kế hoạch tập trung đẩy mạnh các chương trình, sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thương hiệu du lịch nước ta tại các thị trường du lịch quốc tế có tiềm năng như Mỹ, Ấn Độ, Australia, ASEAN….
“Từ 15/3 đến nay, Saigontourist chủ động tiên phong tổ chức các sự kiện roadshow lớn để quảng bá, xúc tiến du lịch TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung ngay tại thị trường Mỹ cùng với Vietnam Airlines, tại Ấn Độ, và sắp tới tại Singapore thông qua hội chợ Du lịch quốc tế ITB Asia… Song song đó, Saigontourist sẽ tập trung tái đào tạo, củng cố chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách trong nước và quốc tế”, ông Võ Anh Tài cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn
16:33, 08/08/2022
Liên kết giữa du lịch và văn hóa
03:00, 08/08/2022
Hải Phòng: Tìm giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực du lịch
03:30, 07/08/2022
Để vỉa hè mang lại giá trị kinh tế và thu hút khách du lịch
00:10, 07/08/2022
“Điểm nghẽn” du lịch xanh Quảng Nam
00:00, 07/08/2022