Gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi mong Nhà nước sẽ kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay ngân hàng, duy trì mức lãi suất ổn định...
>>Du lịch sẵn sàng dịp lễ Quốc khánh 2/9
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp Hội lữ hành Việt Nam cho rằng, trước cơn bão giá, doanh nghiệp du lịch cần minh bạch về giá và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất tại điểm đến.
Du lịch đang phục hồi vượt mong đợi của doanh nghiệp và những người làm du lịch khi khắp nơi đông khách. Dù vậy, doanh nghiệp du lịch vẫn chưa vơi nỗi lo khi liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức.
- Ông nhìn nhận ra sao về kết quả của ngành du lịch thời gian vừa qua, thưa ông?
Thông tin từ Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 60,8 triệu lượt người. Đây là thành quả cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ và toàn ngành du lịch.
Từ phía các doanh nghiệp, tôi nhận thấy mỗi doanh nghiệp đều tận dụng triệt để cơ hội, tâm huyết nghiên cứu thị trường và liên tục đổi mới, sáng tạo các sản phẩm du lịch. Đây là thời điểm người dân “bùng nổ” những chuyến đi để “bù đắp” sau 2 năm COVID. Mọi yếu tố tổng hòa đều bổ trợ và sẵn sàng thúc đẩy du lịch hồi phục và phát triển mạnh mẽ.
- Dù vậy, niềm vui luôn đi liền với nỗi lo khi ngành du lịch còn không ít khó khăn. Doanh nghiệp cần làm gì lúc này, thưa ông?
Ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraina đã tác động đến giá cả và đặc biệt là giá xăng dầu. Với du lịch, giá vé máy bay, ôtô đều tăng, chưa kể đến các điểm tham quan, nhà hàng khách sạn cũng "ăn theo" giá xăng để điều chỉnh lên… Với các tour có khoảng cách di chuyển xa, du khách sẽ nhận thấy rõ sự chênh lệch về giá.
Đứng trước bối cảnh này, để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ, minh bạch về giá và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất tại điểm đến.
>>Doanh nghiệp du lịch vay vốn khó đủ đường
Đại diện các đơn vị lưu trú cần lựa chọn giải pháp hợp tác với nhau mua chung các mặt hàng dùng một lần cho khách sạn với số lượng lớn, hoặc chọn mua các sản phẩm có thể dự trữ được lâu hơn. Các đơn vị lưu trú cũng có xu hướng thay thế các loại thực phẩm tươi sống trong thực đơn sang các sản phẩm khô, đóng gói để có mức giá tốt…
- Trái ngược với sự bùng nổ du khách nội địa, kết quả từ lượng khách quốc tế vẫn khá khiêm tốn. Theo ông, nguyên nhân nào cần cải thiện để giúp Việt Nam tăng sức hút đối với du khách quốc tế?
Sau hai năm đại dịch COVID-19 chỉ có Hàn Quốc dần mở cửa trở lại với thị trường khách inbound và outbound, thị trường Nhật Bản thì chọn lọc đối tượng, đặc biệt Trung Quốc vẫn chưa cho phép người dân đi du lịch.
Trong “cơn bão giá”, các doanh nghiệp du lịch cần chuyển hướng sang thị trường đã mở cửa, có khoảng cách địa lý gần hơn nhiều tiềm năng hơn, ví dụ như thị trường Đông Nam Á, Đông Bắc Á,…
- Trước thực trạng trên, theo ông, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn ngành ra sao?
Chính phủ đã và đang triển khai nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch. Việc còn vướng mắc ở đây là quá trình thực thi. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi mong Nhà nước sẽ kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay ngân hàng, duy trì mức lãi suất ổn định, triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất sớm chừng nào hay chừng đó.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Du lịch sẵn sàng dịp lễ Quốc khánh 2/9
03:00, 26/08/2022
Giải pháp hút khách du lịch Cô Tô mùa thấp điểm
04:00, 25/08/2022
Doanh nghiệp du lịch vay vốn khó đủ đường
03:00, 25/08/2022
Quảng Nam thu hút đầu tư vùng ven biển phát triển du lịch
01:14, 25/08/2022
Quảng Ninh: Liên kết vùng để phát triển du lịch
03:30, 24/08/2022