Các doanh nghiệp du lịch đều có nhận định chung, mặc dù du lịch đang có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, song việc tiếp cận các gói hỗ trợ vốn vẫn còn nhiều gian nan.
>>Khơi thông điểm nghẽn cho du lịch tiếp tục đà phục hồi
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Bích - CEO Mekong Rustic cho biết, doanh nghiệp sau một thời gian dài đóng băng đã cạn kiệt về vốn, rất khó khăn trong quá trình phục hồi và càng không có nguồn lực để mở rộng và phát triển đổi mới mô hình kinh doanh. Mặc dù Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, tuy nhiên để vay được nguồn vốn ưu đãi này, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 phải có lãi, điều kiện này không sát với thực tế vì du lịch nước ta mới mở cửa lại từ giữa tháng 3. Ngoài ra, gói vay ưu đãi của ngân hàng cho vay nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản bất động sản thế chấp. Điều kiện khó như vậy thì doanh nghiệp khó càng thêm khó trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ về vốn.
Bà Phạm Phương Anh, Phó Giám đốc Công ty Du Lịch Việt, chia sẻ ngành du lịch đang trỗi dậy sau 2 năm tạm ngưng hoạt động nên việc tiếp cận vốn vay hết sức cần thiết. Song muốn vay vốn phải đủ điều kiện, trong khi đa phần doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại mới trải qua thời gian dài khó khăn nên tài sản thế chấp là chuyện không đơn giản. Vay thế chấp không được, muốn vay tín chấp cũng không xong, vì ngân hàng yêu cầu phải chứng minh năng lực tài chính thông qua kết quả hoạt động trong 3 năm gần đây.
"Dòng tiền của chúng tôi hiện đang rất tốt nhưng gần như vẫn không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Hai năm qua, tôi phải thế chấp tài sản cá nhân, vay gói cá nhân để gồng gánh cho doanh nghiệp. Về cơ bản thì các doanh nghiệp du lịch giờ vẫn phải tự mình tìm cách cứu mình, không thể trông chờ vào các chính sách ưu đãi" - lãnh đạo Du lịch Việt bộc bạch.
>>Cần xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm về du lịch nông nghiệp
Về vấn đề này, không ít doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là nhóm lữ hành, đã thẳng thắn chỉ ra nút thắt trong tiếp cận vốn để tái khởi động chính là thiếu tài sản đảm bảo. Nhưng sau 2 năm dịch có bao nhiêu tài sản đã thế chấp hết nên giờ chuyện vốn vẫn loay hoay. Thiếu tài sản đảm bảo, doanh nghiệp đặt ra câu hỏi liệu vay tín chấp với ngân hàng có được không?
Trả lời câu hỏi về việc vay tín chấp của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, thừa nhận vay tín chấp khó hơn vay có tài sản đảm bảo, vì ngân hàng phải thẩm định khách hàng có đủ năng lực tài chính, kinh doanh hiệu quả và đánh giá xếp hạng tín dụng phải thuộc hạng A…
Giải pháp gợi ý cho doanh nghiệp lúc này là tiếp cận quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ. Liên quan đến khả năng vay tín chấp, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM khẳng định nguyên tắc tối thượng của ngành ngân hàng là cho vay phải có hoàn trả. Người vay vốn phải có nghĩa vụ hoàn trả cả nợ gốc và lãi. Dựa theo nguyên tắc trên thì cho vay tín chấp còn khó hơn cho vay có tài sản đảm bảo vì ngân hàng sẽ phải đánh giá khả năng chi trả, kết quả tài chính, sổ sách kế toán minh bạch công khai và gần như các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cực tốt mới có khả năng được cấp vốn vay tín chấp.
"Doanh nghiệp nào kinh doanh bình thường nhưng nếu có doanh nghiệp chất lượng tốt bảo lãnh và ngân hàng có chính sách chấp nhận thì vẫn có thể vay tín chấp. Hiện nay Chính phủ đang duy trì quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ trương chung là sẽ nâng cao quỹ bảo lãnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Ngân hàng trên cơ sở tiếp cận với doanh nghiệp sẽ có tư vấn, giải pháp tháo gỡ cụ thể" - ông Lệnh thông tin.
"Tôi mong muốn Chính phủ sẽ có những chính sách dễ tiếp cận hơn với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và đang muốn mở rộng thị trường." CEO Mekong Rustic bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
05:15, 19/08/2022
03:00, 17/08/2022
03:00, 16/08/2022
12:00, 15/08/2022