Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh liên kết vùng sau sáp nhập, kêu gọi các địa phương phối hợp cùng Hà Nội để xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm ngành Du lịch trong 6 tháng cuối năm 2025, bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã có những chia sẻ sâu sắc, thực tiễn và mang tính chiến lược về bức tranh du lịch Thủ đô cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới. Từ câu chuyện riêng của Hà Nội, những vấn đề cốt lõi của toàn ngành cũng được gợi mở, cho thấy rõ nhu cầu cấp thiết phải có tư duy mới, mô hình mới và hành động quyết liệt hơn trong giai đoạn tăng tốc hiện nay.
Theo bà Đặng Hương Giang, những kết quả tích cực mà du lịch Hà Nội đạt được trong nửa đầu năm 2025 không chỉ đến từ các giải pháp ngắn hạn hay cú hích truyền thông, mà là thành quả của cả một quá trình kiên trì trong 5 năm vừa qua. Việc tăng trưởng mạnh mẽ lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc – hai thị trường Đông Bắc Á chủ lực không phải là sự tình cờ, mà là kết quả từ chiến lược dài hơi, định vị rõ thị trường trọng điểm và thực hiện chiến dịch truyền thông có mục tiêu cụ thể. Thay vì triển khai truyền thông dàn trải, Hà Nội tập trung phân định rõ các nhóm khách mục tiêu, xác lập thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của từng nhóm, từ đó xây dựng nội dung truyền thông "đánh trúng" và thực hiện một cách kiên trì, bài bản và bền bỉ.
Một bước đi quan trọng khác theo bà Giang là điều chỉnh cơ cấu khách du lịch để không chỉ tăng về số lượng, mà còn cải thiện về chất lượng, nghĩa là nâng cao tỷ lệ khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, có nhu cầu trải nghiệm sâu về văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang cần tạo ra sự khác biệt và giá trị gia tăng trong sản phẩm du lịch để cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực. Không thể mãi chỉ dựa vào những điểm đến truyền thống mà cần phải xây dựng những giá trị mới từ không gian sáng tạo, nghệ thuật đương đại, đến du lịch đêm và trải nghiệm cá nhân hóa.
Bên cạnh đó, bà Đặng Hương Giang đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tái cấu trúc liên kết vùng trong bối cảnh cả nước đã sáp nhập hành chính. Theo bà Giang, đây chính là thời điểm để rà soát, sắp xếp lại đối tượng ưu tiên và nguồn lực phát triển du lịch ở 34 địa phương một cách khoa học, có chọn lọc và dựa trên thế mạnh thực tế.
Mỗi tỉnh, thành cần chủ động xác định rõ mình có gì về tài nguyên, sản phẩm, nhân lực hay khả năng tiếp cận thị trường. Từ đó cùng nhau kết nối với Hà Nội để xây dựng những sản phẩm đặc trưng, khác biệt và mang tính cạnh tranh cao.
Chỉ khi các địa phương biết “định vị” mình trong bản đồ du lịch quốc gia và phối hợp theo chiến lược thống nhất, thay vì phát triển manh mún, dàn trải, thì sức mạnh tổng hợp của du lịch Việt Nam mới được phát huy đúng tầm.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa các chiến lược này, yếu tố thể chế, chính sách và môi trường pháp lý đóng vai trò quyết định. Bà Giang đã chỉ ra nhiều bất cập của Luật Du lịch 2017 (sửa đổi từ Luật 2015), đặc biệt là trong cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Theo bà, muốn có các doanh nghiệp du lịch lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và xây dựng sản phẩm tầm cỡ, cần những "chim đầu đàn" đủ mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp hiện nay là nhỏ hoặc siêu nhỏ, còn khó khăn trong tiếp cận vốn, nhân lực và chính sách ưu đãi. Quy trình thành lập công ty du lịch hiện nay quá đơn giản, dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Do đó, cần điều chỉnh tiêu chí thành lập doanh nghiệp để sàng lọc tốt hơn, đồng thời khuyến khích hình thành các liên minh, hợp tác xã du lịch chuyên nghiệp.
Ngoài ra, bà Giang cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông, không chỉ là công cụ quảng bá, mà cần có định mức kỹ thuật rõ ràng để đầu tư bài bản, có chiều sâu và phù hợp với từng nhóm khách hàng. Việc ban hành các thông tư hướng dẫn về định mức truyền thông, xử phạt hành chính trong hoạt động du lịch và thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành cũng là những điều cần được tháo gỡ để công tác quản lý ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Khi hành lang pháp lý được hoàn thiện, doanh nghiệp có cơ sở để hoạt động, địa phương có công cụ để giám sát và ngành du lịch nói chung mới có thể phát triển bền vững.
Từ những vấn đề đặt ra, du lịch Hà Nội xác định rõ mục tiêu cho 6 tháng cuối năm 2025 là: tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khách quốc tế, với trọng tâm vẫn là các thị trường Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và mở rộng dần ra Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh); đồng thời nâng tỷ lệ khách lưu trú từ 2,5 ngày lên trên 3 ngày và gia tăng chi tiêu trung bình của khách lên 20%. Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm mới theo hướng cá nhân hóa, du lịch trải nghiệm và gắn với yếu tố sáng tạo như du lịch phim ảnh, du lịch đêm, du lịch không gian sáng tạo và di sản sống.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình liên kết vùng, trước mắt tập trung vào các địa phương phía Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ để hình thành các tuyến điểm đa dạng, bổ trợ cho Hà Nội và kéo dài hành trình của khách quốc tế.
Quan trọng hơn cả, trong 6 tháng tới, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất các điều chỉnh cụ thể trong chính sách pháp lý, từ Luật Du lịch đến các văn bản dưới luật, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhà đầu tư yên tâm và địa phương có đủ công cụ điều hành hiệu quả.
Sự chuyển động mạnh mẽ từ góc nhìn Thủ đô sẽ là "hình mẫu" cho các địa phương khác, góp phần đưa ngành Du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 82 đã xác định.