Du lịch Gia Lai cần điều kiện gì để cất cánh?
Du lịch Gia Lai được đánh giá như viên ngọc thô, chưa được mài dũa, để có thể phát triển thì du lịch rất cần “kích cầu nguồn vốn” từ nhà nước cũng như xã hội hóa.
>>Quảng Nam: Dự án ngưng trệ, người dân bị “treo” quyền lợi
Gia Lai được khách du lịch nhắc đến nhiều nhờ những con thác, dòng suối cực đẹp không phải nơi nào cũng có. Đặc biệt là khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm và cảnh quan đa dạng với đồi núi, cao nguyên, thung lũng và những thác hồ thơ mộng. Đà Lạt nổi tiếng với vẻ đẹp mộng mơ thì Gia Lai sở hữu cảnh quan hoang sơ, kỳ vĩ với núi lửa triệu năm, rừng nguyên sinh rộng lớn và cả dấu tích của một nền văn hóa sử thi hùng tráng.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Gia Lai, chàng trai Hoàng Quốc Thành mê mẩn với những văn hóa của người thiểu số, với những cảnh đẹp của tự nhiên. Năm 2016 anh thành lập Công ty TNHH MTV Ánh Sáng Vàng Gia Lai để khởi nghiệp với những dự án máy sấy năng lượng. Nhưng thiếu vốn, anh gác lại dự án máy sấy chuyển qua làm du lịch. Công ty TNHH MTV Ánh Sáng Vàng Gia Lai đã mạnh dạn đầu tư gần 2 tỷ đồng để làm homestay du lịch trên con suối Gia Gia tại làng O Sang Boong Nga, xã Ia O huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai.
Khách đến đây có thể nghỉ dưỡng, tắm suối, thưởng thức những món ngon của người dân tộc thiểu số. Hạ tầng cơ sở được hình thành trong hai năm qua đã gần hoàn thiện. Cái khó nhất bây giờ vẫn là thiếu vốn, hạ tầng giao thông không đồng bộ cho nên vẫn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Khó khăn chồng khó khăn, nhưng anh Thành cho biết: “Để làm được điều này từ hai bàn tay trắng, ngoài sự động viên của gia đình còn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chính quyền địa phương. Mới đây ngày 21/9, là chuyến tham quan, thị sát của ông Ksor Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông đối với dự án du lịch ở huyện. Dự án du lịch suối và thác nước đang dần trở thành địa điểm vui chơi của người dân ở trong huyện và là điểm nhấn trong du lịch ở Chư Prông.”
Tuy nhiên đây chỉ là một vài điểm sáng hiếm hoi trong toàn cảnh chung của du lịch Gia Lai. Nhiều du khách đến Gia Lai vẫn cho rằng còn thiếu các khách sạn trên 3 sao, hệ thống vui chơi giản trí nghèo nàn. Dù tăng trưởng nhưng du lịch Gia Lai vẫn còn khoảng cách xa so một số địa phương khác có cùng nhiều điểm tương đồng về cảnh quan như Lâm Đồng, Đăk Lăk.
Trong lần đến Gia Lai tham dự Ngày hội Du lịch kết nối Tuy Hòa – Pleiku, anh Phạm Trung – Quản lý một hệ thống khách sạn nhà hàng tại Phú Yên cho hay: “Gia Lai còn nghèo nàn về dịch vụ du lịch lắm, được vài cái thác, núi Chư Đăng Ya, không có điểm chơi. Chưa kết nối được du lịch truyền thống với du lịch sinh thái hiện đại. Xây dựng chương trình du lịch chưa gắn kết với văn hóa truyền thống của người thiểu số. Muốn phát triển du lịch thì cần nhìn vào thực tế để xây dựng kế hoạch dài hạn, gắn với nông nghiệp, văn hóa.”
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tấn Thành – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Gia Lai cho rằng: “Gia Lai muốn phát triển được du lịch thì phải phát triển hạ tầng cho tốt. Đây cũng là ý kiến của rất nhiều chuyên gia, khi góp ý vào dự thảo phát triển du lịch của Gia Lai. Như Tiến sĩ Trần Du Lịch từng nhận định Gia Lai đang có nhiều nút thắt để phát triển du lịch. Về hạ tầng giao thông, phát triển về nông nghiệp gắn với du lịch. Các dự án du lịch được quy hoạch cần phải có nhà đầu tư tiên phong, đây có lẽ cũng là một trong những vấn đề cần được nhìn nhận nếu muốn du lịch Gia Lai cất cánh.”
Trong tháng 8, tổng lượt khách ước đạt 50.000 lượt, trong đó, khách quốc tế ước đạt 300 lượt, khách nội địa ước 49.700 lượt, doanh thu du lịch ước đạt 40 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai đạt 600.000 lượt, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước 4 đạt 1.570 lượt, khách nội địa ước đạt 598.430 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 385 tỷ đồng, tăng 2,5 lần cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên để ngành công nghiệp không khói của tỉnh Gia Lai phát triển thì theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nhận định: T"rong thời gian tới, tỉnh tập trung kết nối, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch Gia Lai đến với thị trường khách quốc tế. Trong đó, địa phương chú trọng việc giới thiệu các nhà đầu tư đến Gia Lai khảo sát, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch. Liên kết, tìm kiếm cơ chế đầu tư phát triển, tạo bước đột phá trong khai những công trình có tầm ảnh hưởng lớn. Liên kết, hỗ trợ để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường quốc tế. Tổ chức mời các đoàn doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ các thị trường gửi khách quan trọng, trọng điểm đến trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm du lịch để có cơ sở đưa các điểm đến, các chương trình tour của tỉnh vào danh sách các sản phẩm bán cho du khách của doanh nghiệp và đối tác quốc tế."
Có thể bạn quan tâm