Quảng Ninh: “Đòn bẩy” du lịch cộng đồng

HẢI NGÂN 08/11/2022 03:45

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với thế mạnh về văn hóa bản địa đang là hướng đi mới của ngành du lịch Quảng Ninh để hướng đến phát triển du lịch “xanh”, bền vững.

>>>Quảng Ninh: Khách du lịch quốc tế vẫn vắng vẻ

>>>Quảng Ninh tăng cường ngoại giao du lịch với Hàn Quốc

Khai thác văn hoá vùng cao

Du lịch Quảng Ninh những năm gần đây không chỉ được biết đến là vùng đất của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, mà còn hút khách du lịch bởi sự đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số.

Du khách về trải nghiệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, TP Hạ Long

Du khách về trải nghiệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, TP Hạ Long  

Với hơn 20 dân tộc cùng chung sống cùng những nét văn hoá riêng biệt, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xây dựng các làng văn hóa – du lịch của đồng bào các dân tộc thiểu số như: dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay… trở thành “bảo tàng sống” có bản sắc văn hóa truyền thống thúc đẩy phát triển du lịch; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công, các loại hình nghệ thuật dân gian, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm văn hóa dân gian của các cộng đồng.

Một số điểm du lịch ở vùng cao, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số đang là điểm đến thu hút du khách như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Móng Cái, Tiên Yên… với những trải nghiệm tìm hiểu về giá trị văn hóa truyền thống khác biệt, đặc sắc và phong cảnh tự nhiên nguyên sơ của vùng cao.

Du khách đến chinh phục sống lưng Khủng Long, huyện Bình Liêu

Du khách đến chinh phục sống lưng Khủng Long, huyện Bình Liêu

Mới đây, vào cuối tháng 10/2022, khi những bông lau với sắc trắng bồng bềnh đang bung nở trải dài khắp lưng đồi đến tít tận chân trời, những cánh lúa vàng bắt đầu khoe sắc ở Bình Liêu cũng là lúc Tuần Văn hoá – Du lịch, Hội mùa vàng huyện Bình Liêu được tổ chức. Tuần Văn hoá – Du lịch là dịp để địa phương quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước.

Chị Nguyễn Ngọc Linh – Du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: Bình Liêu không chỉ có những thửa ruộng bậc thang hấp dẫn mà nơi đây còn được mệnh danh là "Thiên đường cỏ lau" với những rặng cỏ lau trắng muốt cùng nét hoang sơ của thác Khe Vằn. Khi đến Bình Liêu, tôi như bị lạc vào thiên đường nơi hạ giới bởi khung cảnh tự nhiên tại Bình Liêu đẹp đến ngỡ ngàng, đời sống văn hoá của cộng đồng các dân tộc ở đây cũng rất bình yên và thú vị”.

Người dân tại xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) giới thiệu nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Dao tới du khách trong nước và quốc tế (Ảnh: Am Vap farm)

Người dân tại xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) giới thiệu nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Dao tới du khách trong nước và quốc tế (Ảnh: Am Vap farm)

Trên thực tế, với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Liêu đang là một trong những địa phương tiêu biểu phát triển được nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc của địa phương; hấp dẫn du khách với nhiều chương trình độc đáo. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2022, địa phương này đón gần 44.000 lượt khách (trong đó khách lưu trú đạt gần 20.000 lượt).

>>>Du lịch Quảng Ninh hướng tới thị trường Đông Á

>>>Nữ doanh nhân Quảng Ninh: Lan tỏa tấm lòng nhân ái

Còn tại huyện Tiên Yên, Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng soóng cọ cũng vừa được tổ chức. Hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đã đến tham gia lễ hội và chiêm ngưỡng những khung cảnh đẹp như tranh vẽ của ruộng bậc thang thôn Khe Quang, Khe Lặc, Khe Lục, hồ Tuyệt Tình Cốc (thôn Khe Ngàn), ngôi nhà truyền thống của người Sán Chỉ ở thôn Khe Lục… Cũng tại lễ hội này, huyện Tiên Yên đã khánh thành Nhà văn hóa xã Đại Dực, gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ, mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực, rõ nét nhất về các phong tục truyền thống của người Sán Chỉ.

Hoàn thiện mảnh ghép du lịch 4 mùa

Với mỗi địa phương, văn hoá bản địa là một trong những tài nguyên quý để phát triển du lịch. Còn với Quảng Ninh - một trung tâm du lịch vốn quen thuộc nhờ cảnh quan thiên nhiên ấn tượng thì các giá trị văn hoá, truyền thống lịch sử đang được định hướng khai thác tốt hơn để phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn thực tế còn nhỏ lẻ, manh mún và chưa tương xứng với tiềm năng.

Mùa cỏ lau tại Bình Liêu thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm

Mùa cỏ lau tại Bình Liêu thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Việt Anh – Đại diện trang du lịch Bay Nhé cho biết: Khi các địa phương vùng cao tại Quảng Ninh bắt đầu tổ chức những hoạt động lễ hội và chú trọng khai thác các sản phẩm du lịch cảnh quan, homestay, du khách đã bắt đầu quan tâm hơn đến các tour du lịch khám phá, trải nghiệm tại đây, đặc biệt vào dịp mùa thu và đông. Đây cũng là sự thành công của du lịch Quảng Ninh trong việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, hiệu quả quanh năm.

Cũng theo ông Việt Anh, sự chuyển hướng từ việc khai thác những nguồn lợi tự nhiên có sẵn, phong phú của Quảng Ninh sang việc khai thác tài nguyên văn hoá cho du lịch là bài toán không dễ dàng. Bởi thực tế ở Quảng Ninh, những điểm có thể phát triển du lịch văn hoá cộng đồng chủ yếu ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo khó khăn, vì thế rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ban ngành trong việc định hướng phát triển, đầu tư hạ tầng thiết yếu để tạo trợ lực thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 lượt khách quốc tế tham gia du lịch cộng đồng với tổng thu từ hoạt động du lịch cộng đồng đạt 6.000 tỷ đồng và tạo ra 4.200 việc làm.

Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa vùng cao được coi là mảnh ghép để hoàn thiện bức tranh du lịch 4 mùa tại Quảng Ninh. Đồng thời, góp phần vào định hướng phát triển thành những sản phẩm du lịch “xanh”, bền vững.

Theo ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai du lịch cộng đồng, quan tâm đến chính sách hỗ trợ hạ tầng, đào tạo nghề, hình thành sản phẩm du lịch. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, hãng lữ hành…

Được biết, trong giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững. Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào việc đánh giá và rà soát kết quả thực hiện các chính sách, điều chỉnh, cập nhật số lượng điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Khách du lịch quốc tế vẫn vắng vẻ

    Quảng Ninh: Khách du lịch quốc tế vẫn vắng vẻ

    11:00, 07/11/2022

  • Quảng Ninh mở tuyến vận tải container

    Quảng Ninh mở tuyến vận tải container

    07:32, 05/11/2022

  • Quảng Ninh tăng cường ngoại giao du lịch với Hàn Quốc

    Quảng Ninh tăng cường ngoại giao du lịch với Hàn Quốc

    03:45, 05/11/2022

HẢI NGÂN