NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Sứ mệnh doanh nhân
Khẳng định sứ mệnh trách nhiệm, các doanh nhân cho biết đều đưa giá trị di sản vào các sản phẩm của doanh nghiệp.
>>NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Di sản văn hoá và phát triển bền vững
Nằm trong chuỗi hoạt động đặc sắc kỷ niệm: Ngày hội di sản văn hoá Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ Thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa.
Tại phiên thảo luận Đối thoại với Di sản với chủ đề 2: Sứ mệnh doanh nhân với phát triển di sản văn hoá; các doanh nhân đã có những chia sẻ về vai trò, trách nhiệm và sư mệnh của mình với việc phát triển di sản văn hoá Việt Nam.
Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) bày tỏ nhất trí với các ý kiến được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học phát biểu tại diễn đàn. Khẳng định di sản văn hoá là tài sản đặc biệt quý giá của dân tộc được hình thành qua hàng năm lịch sử, ông Trần Đình Thành cho rằng, việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển và trao truyền di sản văn hoá cho các thế hệ mai sau cần đảm bảo yếu tố quan trọng là tính khoa học, chứ không bảo tồn theo hình thức.
Trước đây, khi Luật Di sản văn hoá có hiệu lực, chúng ta nghiêng về bảo tồn giá trị di sản văn hoá do cha ông trao truyền. Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đang soạn thảo sửa đổi Luật Di sản văn hoá, trong đó, vấn đề quan trọng nhất là đưa giá trị di sản văn hoá vào phát triển kinh tế được bổ sung và giải quyết trong Luật nhằm đáp ứng những nguyện vọng của xã hội.
Ông Trần Đình Thành cũng tán thành với ý kiến: doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển. Hàng năm Nhà nước dành vài ngàn tỷ đồng kinh phí cho công tác bảo tồn di sản văn hoá. Cùng với nguồn lực này, cộng đồng doanh nhân cũng đóng góp khoản kinh phí tương đương như vậy. Nhờ vậy, rất nhiều di tích đã được bảo tồn, tôn tạo.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Thành mong muốn khi doanh nhân đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, ngoài tâm huyết, công sức và nguồn lực cần có hiểu biết sâu sắc về di sản để mục tiêu tốt đẹp thành hiện thực. Đó là giữ gìn, bảo tồn yếu tố gốc, giá trị cốt lõi của di sản trên cơ sở khoa học. Ngược lại, nếu không hiểu biết, mong muốn bảo tồn dễ dẫn đến phá hoại như một số trường hợp đã xảy ra.
Ông Phạm Hà - Chủ tịch HĐQT, CEO Lux Group cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa định vị được du lịch Việt Nam nâng tầm. Bởi, Việt Nam từng được Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2020 và di sản là một lợi thế của đất nước ta. Do đó, ông Hà đề xuất, nếu thực sự coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phải có sự lựa chọn mang tính sống còn, phải có tầm nhìn và định vị đúng.
“Cần làm mới lại thương hiệu và bộ nhận diện thương hiệu và có chiến lược thương hiệu, không chỉ có logo và slogan, giúp thu hút du khách quốc tế và chính người Việt Nam cần trân quý di sản của chúng ta”, ông Hà nhấn mạnh.
Khẳng định sứ mệnh trách nhiệm của doanh nhân, ông Hà cho biết doanh nghiệp đều đưa giá trị di sản vào các sản phẩm du lịch của mình.
“Những du khách mà tôi có dịp nói chuyện chuyện, sau khi đã chạm vào di sản tàu Bình Chuẩn của vua tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi (1874-1932) do tôi hồi sinh sau đúng 100 năm hạ thuỷ, đều xúc động với câu chuyện di sản và tự hào dân tộc sâu sắc, giúp họ tìm hiểu sâu hơn về nhà tư sản dân tộc này. Du khách nước ngoài trải nghiệm ngủ đêm trên du thuyền di sản độc bản giữa kỳ quan vịnh Lan Hạ thì cảm được văn hoá, lịch sử, mỹ thuật, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thống con người Việt Nam. Du khách rất thích nghe kể chuyện nhất là chuyện hay”, ông Hà chia sẻ.
Ông Hà cũng cho rằng cần có sự kết hợp yếu tố sáng tạo với câu chuyện di sản để tạo ra sản phẩm đặc sắc cho du khách.
“Chọn di sản để xây dựng thành thương hiệu du lịch quốc gia nhưng phải sáng tạo, không “ăn mày di sản” hay “ăn mày dĩ vãng”. Phải làm sao để khách du lịch khắp nơi trên thế giới được chiêm ngưỡng di sản văn hoá và thiên nhiên, thưởng thức giá trị vốn có và sự sáng tạo. Chúng tôi quan niệm làm du lịch phải mang được giá trị di sản, văn hoá của Việt Nam được lan toả nhiề hơn, người Việt Nam cũng trân quý di sản văn hoá của mình”, ông Hà khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Tổng giám đốc công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum đặc biệt nhấn mạnh đến hình ảnh cây sâm ngọc linh. Theo đó, khi Hàn Quốc phát triển cây sâm Hàn Quốc, không chỉ đơn thuần là thương mại mà còn là hình ảnh mang tính biểu tượng, đại diện văn hóa Hàn Quốc. Bài học lớn về giá trị thương mại và giá trị văn hóa ở câu chuyện sâm Hàn Quốc đáng để chúng ta học tập.
Do những tính chất đặc biệt vượt trội của cây sâm ngọc linh và giá trị kinh tế so với sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ, cùng với thực trạng khai thác một cách triệt để của người dân, đến nay cây sâm ngọc linh đã nằm trong danh mục sách đỏ của Việt Nam từ năm 1994. Vì vậy việc đưa cây sâm ngọc linh chuyển thành sản phẩm Quốc bảo, đại diện như di sản, vật phẩm văn hóa là một việc nên làm.
Với những yếu tố tự nhiên, tập quán tìm kiếm, sản xuất của người dân bản địa đã tạo nên những nét đặc thù về tính chất, chất lượng của sản phẩm nơi đây. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã ban hành Quyết định 3235 Quyết định sở hữu trí tuệ ngày 16/8/2016 về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ ngọc linh, trong đó phía Kon Tum có 9 xã có Tu Mơ Rông và ở Quảng Nam gồm 7 xã thuộc huyện Nam Trà Mi.
Bên cạnh đó, cây sâm ngọc linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn là sản phẩm quốc gia, do vậy phát triển sâm ngọc linh thành cây hàng hóa chủ đạo, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có tờ trình Thủ tướng về phê duyệt chương trình phát triển nông sản Việt Nam đến 2045.
Xác định tầm quan trọng giữ gìn hình ảnh sản phẩm sâm mang tầm quốc tế và bảo vệ nguồn gốc bản địa một loại dược liệu quý của đất nước, công ty cổ phần sâm ngọc linh Tu Mơ Rông Kon Tum luôn đồng hành với Chính phủ và tỉnh Kon Tum trong việc thực hiện các mục tiêu đặt ra.
Bà Duyên chia sẻ thêm, trước thực trạng sâm ngọc linh tự nhiên có nguy cơ tuyệt diệt do nhu cầu sử dụng ngày một tăng lên, công ty luôn coi trọng việc áp dụng các tiến bộ kĩ thuật về giống, kĩ thuật canh tác được hỗ trợ từ các nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ đến từ Viện Dược liệu quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế việc khai thác lớp mùn tự nhiên trong rừng ngày càng cạn kiệt để trồng sâm, công ty chúng tôi phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa quốc gia để tạo ra sản phẩm giá thể nhân tạo phù hợp với nhân giống và trồng sâm ngọc linh, cũng như các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.
Việc tham gia thực hiện các dự án chương trình phát triển quốc gia sâm ngọc linh cũng là một mục tiêu để công ty chúng tôi góp phần sức lực của chính mình với Chính phủ Việt Nam bảo tồn và phát triển bền vững một loại dược liệu quý, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho một bộ phận đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời công ty cổ phần sâm ngọc linh Tu Mơ Rông Kon Tum góp phần xây dựng hình ảnh sâm ngọc linh như một đại diện di sản văn hóa vùng Tây Nguyên nói riêng và của cả Việt Nam nói chung.
Doanh nhân Phan Thị Quảng - Giám đốc công ty CP xây dựng Quảng Hồng (Quảng Ninh), đơn vị khai thác bãi tắm Quảng Hồng nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long thuộc quần thể di sản văn hoá thế giới vịnh Hạ Long. Doanh nhân Phan Thị Quảng cho biết: năm 1981, khi đó,vịnh Bái Tử Long còn rất hoang sơ với cảnh đẹp tự nhiên do thiên nhiên ưu đãi. Sinh sống và làm việc ở chân núi, doanh nhân Phan Thị Quảng không khỏi xót xa trước sự ô nhiễm do rác thải gây ra cho vùng biển đẹp.
Thời điểm này, chưa có nhà đầu tư nào có mặt ở đây càng khiến cho doanh nhân Phan Thị Quảng tiếc nuối cơ hội phát triển di sản đẹp. Mất gần 10 năm nung nấu, trăn trở về kinh phí và cơ chế, năm 1989, bà Phan Thị Quảng mạnh dạn tìm gặp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để bày tỏ nguyện vọng, mong muốn và dự định tốt đẹp: đầu tư xây dựng hạ tầng, góp phần bảo vệ và phát huy di sản, mang lại cảnh quan đẹp phục vụ phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Sau cuộc trao đổi thẳng thắn, doanh nhân Phan Thị Quảng đã nhận được sự tin tưởng, chấp thuận của lãnh đạo tỉnh. “Cảm giác lúc đó thật vui mừng, sung sướng. Trải qua nhiều khó khăn, năm 1995, dự án của chúng tôi được chấp thuận triển khai” - bà Phan Thị Quảng cho biết.
Bãi rác xưa đã được công ty thu gom, cải tạo và đầu tư hạ tầng để thành bãi tắm trắng đẹp dài gần 2 km với độ dốc thoai thoải và thơ mộng. Đặc biệt, công ty dành nhiều nguồn lực xử lý nước thải để đảm bảo không có nguồn nước thải tự nhiên “đổ” vào bãi tắm, góp phần bảo vệ môi trường vịnh.
Chưa hài lòng với những kết quả đạt được, doanh nhân Phan Thị Quảng mong muốn chính quyền địa phương sớm thông qua quy hoạch 1/500 là cơ sở để công ty đầu tư, gìn giữ, phát huy giá trị di sản.
Có thể bạn quan tâm
NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Di sản là nguồn lực để phát triển du lịch
11:49, 23/11/2022
NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Di sản văn hoá và phát triển bền vững
11:23, 23/11/2022
NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HOÁ VIỆT NAM: Doanh nhân giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá
11:22, 23/11/2022
NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hoá và phát triển kinh tế
11:21, 23/11/2022
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa"
10:30, 23/11/2022
NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Trình diễn Áo dài cổ phục Việt
09:14, 23/11/2022
NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Triển lãm ảnh “Việt Nam - đất nước, con người”
08:30, 23/11/2022