Cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của cộng đồng, các doanh nhân, doanh nghiệp trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hoá.
>>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa"
Ông Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và giữ gìn di sản văn hoá” do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO hỗ trợ và phát triển nghệ thuật Việt Nam tổ chức sáng nay (23/11).
Các cảnh quan thiên nhiên được kiến tạo từ hàng triệu năm, các di sản lịch sử, công trình kiến trúc văn hoá được tạo dựng, kế thừa qua nhiều thế hệ là tài nguyên vô giá của nhân loại, đóng vai trò là chiếc nôi hun đúc các giá trị nhân bản, là nền tảng xác lập những giá trị tinh thần và đạo đức, là nội hàm bản sắc của các địa phương, các quốc gia, các dân tộc.
Việt Nam là quốc gia có nhiều truyền thống tốt đẹp kế thừa từ hàng ngàn năm lịch sử, có non sông hùng vĩ, nhiều kỳ quan kiến trúc lịch sử và văn hoá có giá trị độc đáo với hàng vạn di tích lịch sử văn hoá và thiên nhiên. Đến nay, Việt Nam có 8 di sản văn hoá và thiên nhiên, 14 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO nâng tầm giá trị nhân loại cùng gần 20 địa danh, hàng chục loại hình văn hoá phi vật thể khác đang chờ đợi để Nhà nước và UNESCO xem xét đưa vào danh sách di sản thế giới. Việt Nam là đất nước có tiềm năng văn hoá và có lợi thế để phát triển các ngành kinh tế dựa trên khai thác giá trị kinh tế của di sản.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam, các tiềm năng và lợi thế văn hoá, thiên nhiên sẵn có đang được khai thác như nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, không ít trường hợp quá coi trọng mục tiêu kinh tế, đặt doanh thu và lợi nhuận lên trên hết mà không chú trọng bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản văn hoá dẫn đến tình trạng di sản bị khai thác cạn kiệt, xâm hại, làm thay đổi diện mạo di tích, làm cho các hình thái văn hoá và di sản văn hoá ngày càng mất đi giá trị chân thật, mất đi tính hấp dẫn vốn có.
Theo ông Trần Văn Mạnh, phát triển kinh tế như vậy không phải là phát triển đúng nghĩa mà là phát triển nhất thời, thiếu bản sắc, hài hoà, không có lợi cho tương lai phát triển của quốc gia. Vì vậy, công tác bảo tồn và gìn giữ di sản văn hoá cần được ưu tiên chú trọng, nhất là khi đất nước đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trong đó, cần lưu tâm đến thách thức là xử lý hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, giữa giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hoá đồng thời bảo tồn di sản một cách bền vững.
Công ước bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới là một trong những công ước quan trọng của UNESCO nhằm thúc đẩy các quốc gia hợp tác bảo tồn hiệu quả các giá trị, dấu ấn tinh thần và vật chất quan trọng tiêu biểu cho nền văn minh của các quốc gia. Đó là công trình kiến trúc lịch sử và văn hoá nổi tiếng, có giá trị đang đứng trước những thách thức.
“Ý nghĩa ẩn sâu Công ước quốc tế bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới là giá trị giáo dục tinh thần nhân bản, nhân văn, ý thức trách nhiệm của con người với tài sản quốc gia, là thái độ đúng đắn với quá khứ trong lộ trình hướng đến tương lai tốt đẹp” - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Trần Văn Mạnh chia sẻ.
>>NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Trình diễn Áo dài cổ phục Việt
Để bảo tồn và giữ gìn giá trị di sản, theo ông Trần Văn Mạnh cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội, trong đó đề cao vai trò của cộng đồng - chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hoá. Công ước của UNESCO khẳng định: không có văn hoá nếu không có sự tham gia tự giác của người dân và cộng đồng.
Bàn về vai trò của cộng đồng, ông Trần Văn Mạnh cho rằng, không thể bỏ qua vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hưởng lợi từ di sản. Để khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tham gia bảo tồn di sản, cần có chính phù hợp, tuyên truyền nâng cao nhận thức để doanh nhân, doanh nghiệp nhận thức trách nhiệm tự giác chăm lo, bảo vệ vun đắp các di sản. Doanh nhân, doanh nghiệp cần thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia hiệu quả vừa đạt được mục tiêu kinh tế vừa góp phần lan toả giá trị di sản hài hoà, nhân văn và có bản sắc.
Di sản có giá trị được khai thác đúng mức sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần phát triển các ngành kinh tế có liên quan, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngược lại, doanh nhân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ di sản cần có trách nhiệm, kế hoạch đầu tư trở lại việc bảo tồn và xem đây là một phần trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, tự giác trích lợi nhuận thu được từ khai thác di sản để đóng góp, thúc đẩy hơn nữa công tác bảo tồn và giữ gìn di sản.
Có thể bạn quan tâm
NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Di sản văn hoá và phát triển bền vững
11:23, 23/11/2022
NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Trình diễn Áo dài cổ phục Việt
09:14, 23/11/2022
Khai mạc Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam và Trình diễn áo dài dân tộc truyền thống
07:00, 23/11/2022
Đón bằng ghi danh 'Thực hành Then' là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
21:56, 03/09/2022
Từ Sơn (Bắc Ninh): Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hoá
00:07, 24/05/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Trình UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là di sản văn hóa nhân loại
20:16, 31/03/2022