Tiếp sức cho du lịch Quảng Nam
Đến hiện tại, ngành du lịch Quảng Nam vẫn chưa khôi phục hoàn toàn, vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần sớm triển khai kế hoạch hoạt động để sẵn sàng trở lại vào năm 2023.
>>Du lịch Quảng Nam sẵn sàng "bùng nổ"
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho biết tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp ứng phó khủng hoảng Covid”, đến hiện nay đại dịch Covid-19 đã ghi dấu ấn vào lịch sử khủng hoảng của nhân loại. Từ đầu năm 2020, Việt Nam đã dừng nhiều đường bay quốc tế, hạn chế các hoạt động du lịch, du khách quốc tế đến địa phương dường như về không.
“Các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây diễn ra khiến nhiều nơi kiệt quệ tuy nhiên cũng sẽ kết thúc trong khoản thời gian nhất định, thế nhưng đối với Covid- 19 diễn biến rất phức tạp, kéo dài, có những lúc doanh nghiệp hoang mang không biết lúc nào được phục hồi. Có người từng nói ngành du lịch sẽ mất sau khủng hoảng Covid-19 bởi vì tính chất phức tạp của dịch bệnh”, ông Thủy chia sẻ.
Theo vị này, nhiều doanh nghiệp đã không thể vượt qua khủng hoảng, phải đóng cửa, rút khỏi thị trường. Có giai đoạn 100% doanh nghiệp du lịch đã phai đóng cửa, có đến 14.000 lao động mất việc làm, chưa kể lực lượng lao động tự do.
Ông Trần Quốc Quân, Phó Trưởng phòng Lao động – Việc làm (Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam) cho hay giai đoạn 2020-2021, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn do tác động của đại dịch COVID-19, hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương ngưng trệ.
Trong đó, du lịch là ngành bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề nhất và kéo dài nhất, có thời điểm hơn 90% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, hơn 14.000 lao động chiếm tỷ lệ gần 80% lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch bị ngừng việc, làm việc không đủ thời gian hoặc bị mất việc làm, bên cạnh đó khoảng 30.000 người là lao động tự do hoạt động trong lĩnh vực này cũng chịu ảnh hưởng về việc làm và thu nhập.
“Dự báo trong thời gian đến sẽ còn khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng, giá cả mặt hàng leo thang người dân các nước trên thế giới thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp sẽ đối phó với những thử thách mới. Hy vọng với sự điều hành của Chính phủ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển”, ông Quân nói.
Về các sự hỗ trợ, vị này thông tin đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định, Chương trình, Kế hoạch để đề ra chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch từng năm và giai đoạn, tổ chức nhiều hoạt động trong và ngoài nước nhằm quảng bá, xúc tiến ngành du lịch của tỉnh. Với sự ủng hộ của doanh nghiệp, người lao động, hiện tại ngành du lịch, dịch vụ tỉnh Quảng Nam đã có những dấu hiệu lạc quan về khôi phục thị trường khách du lịch nội địa, khách quốc tế sau thời gian đóng băng, ngừng trệ do đại dịch Covid-19.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Du lịch Hội An chia sẻ thời gian trước đại dịch, đơn vị đang có nguồn nội lực khá ổn định, hoạt động kinh doanh chưa bao giờ thua lỗ, cổ tức dao động từ 12% - 20%. Thế nhưng, sau những tác động của đại dịch, doanh nghiệp đã chấp nhận đóng cửa một thời gian, thu hẹp hoạt động kinh doanh, duy trì hoạt động doanh nghiệp ở mức tối thiểu, bảo vệ tài sản doanh nghiệp và triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.
Đối mặt với vô vàn khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng chúng tôi luôn luôn cố gắng xác định và thực hiện cho được nhiệm vụ trọng tâm là: duy trì sự sống của doanh nghiệp, ổn định tư tưởng người lao động trong những lúc khó khăn nhất, phấn đấu giữ chân đội ngũ nhân sự quản lý cấp trung và các nhân viên giỏi đã gắn bó cùng Công ty, thường xuyên đảm bảo công tác an ninh, bảo vệ tài sản, hạn chế tối đa sự xuống cấp của khối tài sản hiện hữu, sẵn sàng điều kiện cho việc kinh doanh khi thị trường hồi phục.
“Khi Chính phủ chuyển hướng từ chủ trương “zero covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh đi đôi phát triển kinh tế, chúng tôi đã quyết tâm vượt khó, đã triển khai các giải pháp căn cơ nhằm tạo việc làm cho người lao động, duy trì hoạt động kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế. Chúng tôi đã nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp, ưu tiên thị trường du lịch nội địa, nội địa gần. Chú trọng phát triển theo hướng đặt sức khoẻ con người lên hàng đầu, hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh”, ba Lan thông tin.
Cũng the bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, doanh nghiệp đã tập trung công tác đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ người lao động hiện có, kể cả lao động đang tạm hoãn hợp đồng để kịp thời đáp ứng yêu cầu phục vụ khách. Tạo động lực và tinh thần để tất cả người lao động. Tập trung nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp tài sản, trang thiết bị theo mức độ ưu tiên cấp thiết, phù hợp với nguồn lực thực sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách.
Quan trọng, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ nhằm phần nào giải quyết khó khăn trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Chuẩn bị các phương án tái cơ cấu nguồn lực tài chính, đảm bảo tài chính khoẻ để phát triển doanh nghiệp, đây là giải pháp cực kỳ khó khăn và phụ thuộc hoàn toàn vào cổ đông.
Theo khảo sát của CLB Nhân sự du lịch Quảng Nam, hiện tại số lượng khách sạn, nhà hàng mở cửa trở lại vẫn chưa phải 100%. Tại khảo sát, có đến 95% đơn vị xác nhận có biến động và thay đổi nhu cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng khách hàng, thiếu lao động, thiếu vốn, khó vay ngân hàng, giảm giá sản phẩm dịch vụ, giảm doanh thu,... Cùng với đó, 90% doanh nghiệp xác nhận bị sụt giảm đầu tư, cơ sở hạ tầng, xuống cấp, vốn suy giảm, chính sách du lịch ít được quan tâm, giảm thu nhập từ du lịch,... Hiện tại, các doanh nghiệp du lịch vẫn mong muốn được hỗ trợ, cùng với đó, xây dựng nhiều sản phẩm mới để giữ chân du khách, khẳng định vị thế Quảng Nam để tăng thời gian lưu trú của du khách. Song song, tiếp tục triển khai chính sách giảm thuế, giảm lãi xuất ngân hàng. |
Có thể bạn quan tâm