Du lịch biển đảo cần động lực mới

TUẤN VỸ 27/12/2022 03:00

Du lịch biển đảo Việt Nam hiện tại vẫn rời rạc, hạ tầng lạc hậu, thiếu cảng biển du lịch, mỗi địa phương quy định một khác... nên chưa thể phát huy hết lợi thế, tiềm năng.

>>Tạo sức hút cho du lịch biển

 Du lịch trên xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) thu hút được lượng lớn khách du lịch bởi đông điệp bảo vệ môi trường, không sử dụng túi ni-lông.

Du lịch trên xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) thu hút được lượng lớn khách du lịch bởi đông điệp bảo vệ môi trường, không sử dụng túi ni-lông.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt nhìn nhận, việc khai thác du lịch biển, đảo của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ. Đặc biệt là những bất cập về môi trường, về quy hoạch, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới vẫn chưa hiệu quả.

Phát triển chưa tương xứng

Trong danh sách 156 quốc gia có biển, Việt Nam được xếp hạng đứng thứ 27 và là quốc gia có diện tích ven biển lớn trong khu vực Đông Nam Á. Đây được xem là nguồn tài nguyên phong phú để ngành du lịch dựa vào và phát triển bền vững. Thời gian vừa qua, các hoạt động du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam, qua đó, thúc đẩy kinh tế của từng địa phương có lợi thế, tạo điểm nhấn trong mắt khách du lịch.

Thực tế giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa. Cộng đồng doanh nghiệp cùng với địa phương đã phát triển đa dạng các sản phẩm mới, từng bước nân cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng,...

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chúng ta đang có điều kiện phát triển trở thành một trong những điểm đến du lịch biển đảo đẳng cấp hàng đầu trong khu vực và thế giới. Thế nhưng, du lịch và du lịch biển đảo Việt Nam vẫn chỉ là những mảnh ghép rời rạc, hạ tầng lạc hậu, thiếu cảng biển du lịch...

“Việt Nam vẫn chưa có một đội tàu du lịch nào, trong khi đó, quy định hoạt động du lịch biển mỗi địa phương quy định một khác. Từ đó, các tiềm năng, lợi thế của biển đảo vẫn không được thai thác hợp lý, dẫn đến lãng phí tài nguyên”, ông Vũ Thế Bình nhận định.

Tìm động lực mới

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đề nghị các địa phương cần phải phát triển du lịch biển đảo bền vững trong thời gian tới, đây là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, TS Tuấn cũng đề nghị phân vùng phát triển phù hợp đặc điểm tài nguyên và định hướng thị trường ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương và điểm đến và tăng cường đầu tư hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch.

Cần tập trung nguồn lực và điều tiết thị trường cho các phân kỳ phát triển, không phát triển ồ ạt, dành dư địa cho những định hướng, ý tưởng mới trong tương lai. Đồng thời, cần phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hà, CEO LUX Group đề xuất mỗi địa phương có biển cần có những sản phẩm du lịch biển đảo riêng đặc trưng như OCOP, nhiều trải nghiệm không chỉ bó hẹp ở bãi biển mà phải càng đa dạng càng tốt để khách hàng có nhiều lựa chọn cho trải nghiệm. Cùng với đó, các địa phương có biển phải có hạ tầng cảng thuỷ nội địa riêng cho hoạt động biển đảo địa phương, nội vùng, và liên vùng, du ngoạn trên biển phải an toàn, dễ dàng hơn, cấp phép đơn giản tours mới, tuyến mới...

“Trong các hoạt động kinh tế ban đêm từ 6h tối tới 6h sáng là khoảng thời gian thu nhiều tiền của khách, nên cho phép tours đêm trên vịnh biển, sông hồ, ngoài khung giờ cố định. Khách tàu biển sẽ được đón trực tiếp, dịch vụ VIP tại cầu cảng du lịch và có những tours thú vị khi lên bờ trải nghiệm, đồng thời hình thành các tours tuyến đặc trưng, cho khách tàu biển chạy dọc bờ biển Việt Nam”, ông Hà nêu đề xuất.

Đối với địa phương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình đã kiến nghị Chính phủ và Bộ ngành Trung ương chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Cùng với đó, phê duyệt quy hoạch đầu tư cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch tích hợp vào Quy hoạch Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để định hướng, đầu tư xây dựng.

“Trung ương sớm phân định phân định ranh giới hành chính quản lý tại các khu để làm cơ sở để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển tuyến du lịch đường thủy. Đồng thời, cho phép mở rộng, khai thác du lịch toàn diện tuyến đường thủy khu vực bán đảo Sơn Trà...”, vị này nêu.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Việt Nam - Góc nhìn thẳng

    Du lịch Việt Nam - Góc nhìn thẳng

    04:00, 26/12/2022

  • Quảng Ninh: Gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch

    Quảng Ninh: Gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch

    03:00, 26/12/2022

  • Vực dậy ngành du lịch - Cần hành động quyết liệt

    Vực dậy ngành du lịch - Cần hành động quyết liệt

    04:00, 24/12/2022

  • Điểm nhấn du lịch xứ Tuyên

    Điểm nhấn du lịch xứ Tuyên

    02:00, 24/12/2022

TUẤN VỸ