Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Ngoài tháo gỡ những “nút thắt” đã và đang tồn tại, theo chuyên gia, nếu không quyết liệt, có chính sách thực chất thì dù doanh nghiệp, địa phương nỗ lực đến đâu cũng khó vực dậy ngành du lịch…
>> Đừng để chính sách về visa “kìm” đà phát triển của ngành du lịch
Theo đó, khách du lịch quốc tế đến đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng doanh thu của ngành du lịch. Trong 3 năm trước đại dịch COVID-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch.
Cụ thể, năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Những con số này cho thấy du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, góp phần đem lại nguồn thu cho đất nước. Vì thế, gỡ khó cho ngành du lịch chính là gỡ nút thắt cho rào cản du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.
Theo các doanh nghiệp, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách của du lịch Việt Nam không quá thách thức. Nếu nhìn sang các nước thì cũng khá phù hợp xu hướng chung là tăng gấp đôi con số thực hiện năm 2022. Chẳng hạn, Thái Lan cũng đặt mục tiêu đón 20 triệu khách trong năm 2023 sau khi đón vị khách thứ 10 triệu hồi tháng 12; tương tự, Singapore cũng không giấu tham vọng tăng gấp đôi con số gần 6 triệu lượt khách hiện nay.
Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, để có thể hiện thực hóa mục tiêu này, ngành du lịch Việt Nam không chỉ phải sớm tháo gỡ những nút thắt về chính sách visa, quảng bá điểm đến, các rào cản kỹ thuật như mua bảo hiểm COVID-19... đang vướng hiện nay. Mà còn cần có các chính sách thực chất, lộ trình phục hồi cụ thể, cái gì xác định là điểm nghẽn thì phải tháo hết, phải thay đổi quan điểm khách có sẵn ngoài biên giới, chỉ cần mở cửa là có khách đến, bây giờ các thị trường đều mở và cạnh tranh để thu hút khách diễn ra rất quyết liệt.
>> Vì sao Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á?
Thông tin với báo chí, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận, không phải chỉ riêng Việt Nam tính chuyện khôi phục sớm du lịch. Các nước khác cũng quyết tâm phục hồi rất mạnh mẽ. Trong 2022, du lịch nội địa Thái Lan đã đạt khoảng 180 triệu lượt khách/70 triệu dân, tỷ lệ đạt khoảng 2,6 lượt người/năm. Việt Nam lập kỷ lục với 101 triệu lượt khách nội địa, chia trên tỷ lệ đầu người được hơn 1 lượt người/năm. Khách nội địa là dễ nhất của chúng ta mà còn thua Thái Lan tới 2,6 lần thì muốn vượt thị trường khách quốc tế, phải quyết tâm mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Xoay quanh hiện trạng của ngành du lịch, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đủ lực và đủ nhạy bén để đưa ngành công nghiệp không khói này hồi sinh. Với “độ nén” hiện nay, ngành du lịch sẽ thực sự bùng nổ khi được tháo gỡ về thể chế. Thể chế chính là vấn đề cần tập trung trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, đánh giá về mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023, thông tin với báo chí, ông Vũ Văn Tuyên - CEO Travelogy Việt Nam cho rằng, các địa phương vẫn đang nỗ lực làm mới điểm đến, doanh nghiệp lữ hành dồn dập dựng tour mới, các nhà phát triển du lịch gồng sức xây dựng hàng loạt sản phẩm với quy mô, hấp dẫn…
“Không thể nói các doanh nghiệp không chủ động mà phải chỉ rõ ràng rằng chính sách không đáp ứng được mục tiêu. Nếu Chính phủ không quyết liệt, có chính sách thực chất vực dậy ngành du lịch thì tất cả những nỗ lực nêu trên của doanh nghiệp địa phương coi như đổ sông đổ bể”, ông Vũ Văn Tuyên chia sẻ.
Từ đó, bên cạnh kiến nghị tháo gỡ chính sách về visa, vị CEO này còn đề xuất, ngành du lịch cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tham gia các hội chợ du lịch quốc tế online hay offline, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng hơn với tiết kiệm chi phí nhất. Đồng thời, đặt trong bối cảnh nhu cầu và thị hiếu của khách quốc tế có nhiều thay đổi hậu COVID-19, công tác quảng bá du lịch Việt Nam cần cung cấp hình ảnh, sản phẩm cá biệt hóa phù hợp với từng thị trường.
Đồng quan điểm với ông Vũ Văn Tuyên, nhiều đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, ngành du lịch cần xây dựng lộ trình phục hồi tổng thể cho năm 2023, đòi hỏi tất cả bộ ban ngành vào cuộc, trong đó các vấn đề quan trọng cần được giải quyết gồm quản lý điểm đến theo quy chuẩn, định vị lại thương hiệu du lịch Việt Nam, nguồn nhân lực thiếu và yếu, đồng bộ chuyển đổi số, xây dựng chân du khách du lịch quốc tế đến Việt Nam… Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số cần một lộ trình đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bởi công tác chuyển đổi số ngành du lịch hiện nay chưa thực sự đi vào hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
Được biết, tại Hội nghị “Thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế… việc nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì chủ động triển khai, thuộc Chính phủ thì trình ngay, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Quốc hội. Đặc biệt, phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế.
Có thể bạn quan tâm