Phát triển du lịch bền vững
Nền tảng hệ sinh thái số du lịch rất thuận lợi song, nguồn lực con người còn hạn chế.
>>Nhân lực du lịch chất lượng cao
Nền tảng hệ sinh thái số du lịch rất thuận lợi
Ngành du lịch cần xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc, giúp kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp.
Muốn vậy, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần phát huy cơ chế hợp tác công - tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử…
Tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch đã được Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) phát hành nhằm hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các cơ quan quản lý, điểm đến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể áp dụng tại đơn vị, đồng thời kết nối tích hợp vào các nền tảng số của Tổng cục Du lịch. Hỗ trợ các địa phương chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái số đồng bộ. Đây là khung hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất trong ngành du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành.
Ông Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chiến lược về chuyển đổi số trong ngành du lịch, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã và đang tập trung xây dựng các nền tảng số trong hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc nhằm tạo sự liên thông, kết nối và hỗ trợ các bên liên quan trong ngành, từ cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương, các điểm đến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách du lịch.
Các sản phẩm cốt lõi được kết nối chặt chẽ dành cho cơ quan quản lý nhà nước gồm: Hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch; hệ thống Báo cáo thống kê du lịch tạo thuận tiện trong quản lý, nhận báo cáo, tổng hợp số liệu báo cáo; hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch giúp tổng hợp số liệu quan trọng theo thời gian, phục vụ phân tích nhanh các hoạt động du lịch.
Đối với doanh nghiệp du lịch, điểm đến, khách du lịch, các nền tảng số cốt lõi được đẩy mạnh sử dụng rộng rãi bao gồm: Nền tảng Quản trị và Kinh doanh du lịch là 1 trong 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia cần ưu tiên phát triển, hỗ trợ công tác quản lý của doanh nghiệp, hỗ trợ thanh toán điện tử; Trang vàng du lịch Việt Nam kết nối cung cầu du lịch; hệ thống vé điện tử tối ưu hóa quy trình quản lý, vận hành, nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch; hệ thống thuyết minh đa phương tiện đa dạng hóa công tác giới thiệu, hướng dẫn, thuyết minh tại điểm tham quan; ứng dụng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, mua sắm trực tuyến, gửi phản ánh; Thẻ Việt - Thẻ Du lịch thông minh hỗ trợ thực hiện giao dịch nhanh chóng, thanh toán an toàn, không dùng tiền mặt.
>>Quảng Ninh: Kích cầu hút khách du lịch nội tỉnh, nội địa
Vừa qua, Trung tâm đã hỗ trợ Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, Di tích Đền Quán Thánh (Hà Nội) áp dụng hệ thống vé điện tử và đang tiếp tục làm việc với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Vịnh Lan Hạ và một số khu, điểm du lịch khác để nghiên cứu triển khai áp dụng hệ thống này.
Các kênh truyền thông số hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam của Tổng cục Du lịch cũng được chú trọng đẩy mạnh là https://vietnamtourism.gov.vn phục vụ công tác quản lý nhà nước, https://vietnam.travel quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Instagram... nhằm lan tỏa mạnh mẽ thông tin du lịch Việt Nam.
Nguồn lực con người còn hạn chế
Tuy nhiên, hầu hết các công ty lữ hành đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có đủ nguồn lực để chuyển đổi số vì phải áp dụng công nghệ mới, chi phí đầu tư bước đầu khá lớn, gồm cả chi phí cho máy móc công nghệ, thay đổi hệ thống quản lý và cả chi phí cho con người, hệ thống đào tạo. Trong đó, khó nhất là yếu tố con người, khi nhân lực trong lĩnh vực này vừa thiếu vừa yếu.
Một trong những sự kiện thu hút được sự quan tâm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2023, Tổng cục Du lịch thống kê, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn sẽ cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 mỗi năm, như vậy thiếu hụt rất lớn.
Theo ý kiến của một số các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo cho biết, điều quan trọng nhất của việc đào tạo chính là phải có sự kết hợp chuyên ngành của nhiều nhóm ngành khác nhau như kinh tế, thương mại, công nghệ… để thực sự biến ngành du lịch thành một ngành kinh tế như những ngành khác. Du lịch không chỉ đỏi hỏi về kiến thức chuyên môn lịch sử văn hóa hóa, kinh tế nữa mà đòi hỏi người học phải có kiến thức tổng hợp và những kỹ năng tổng hợp trong đó có công nghệ thông tin.
Theo đó, các giảng viên của khoa du lịch không thể tự đào tạo thêm về công nghệ thông tin cho các em mà cần có sự tham gia của các giảng viên các ngành, các khoa khác thậm chí là cần có sự tham gia của chính các lãnh đạo doanh nghiệp để các em có kiến thức thực tế ứng dụng công nghệ trong du lịch…
Chuyển đổi số không phải là giải pháp tạm thời sau đại dịch mà đó là xu hướng tất yếu để phát triển du lịch bền vững. Do đó, để có thể ứng dụng và phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nguồn nhân lực ứng dụng thành thạo công nghệ số là rất cần thiết.
Có thể bạn quan tâm