Nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt quyết định sự thành bại của doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho du lịch vẫn là một vấn đề nan giải.
>>Cân đối nhu cầu đào tạo nhân lực du lịch giữa nhà trường và doanh nghiệp
Được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn, bởi vì ngoài mục đích của phát triển du lịch vì lợi nhuận kinh tế, điều quan trọng hơn là du lịch trực tiếp góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới.
Muốn làm được điều đó, du lịch Việt Nam phải trở thành một sứ giả của hòa bình và hữu nghị. Nhân viên du lịch đóng vai trò quan trọng chuyển tải các giá trị văn hóa đến với du khách.
Chính vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải cung cấp các khối lượng kiến thức về lịch sử, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ và bên cạnh đó phải đào tạo ngoại ngữ, trang bị các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức hoạt động, kỹ năng bán hàng, kỹ năng chăm sóc khách hàng…
Về số lượng, theo các số liệu khảo sát, hàng năm ở Việt Nam nói chung lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Về chất lượng, nhiều nhân viên du lịch dù được đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng... nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp du lịch đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ.
Nhìn chung, nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch không những thiếu về mặt số lượng, mà còn yếu về chuyên môn. Chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường lao động du lịch chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Do đó, việc thiếu nhân lực du lịch trong bối cảnh hiện nay là một trong trăn trở của những người làm công tác đào tạo và là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp du lịch đang trong quá trình hồi phục sau dịch Covid.
>>"Nâng chất" nhân lực du lịch chuyển đổi số
Thứ nhất, chất lượng tuyển sinh đầu vào của sinh viên các chuyên ngành du lịch chưa cao. Trên thực tế, kiến thức giáo dục phổ thông của các em còn hạn chế, đặc biệt là các kiến thức khoa học xã hội. Đây là một khó khăn trong quá trình đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng. Do đó, công tác giảng dạy các học phần có liên quan ở chương trình cao đẳng, đại học đòi hỏi giảng viên phải trang bị lại những kiến thức này.
Thứ hai, định hướng nghề nghiệp chưa làm tốt. Đa số sinh viên đều không được định hướng nghề nghiệp một cách đúng đắn, các em đăng ký ngành học theo số đông… chưa hiểu được trách nhiệm, sự tận tâm của nhân viên du lịch khi phải phục vụ khách. Do đó, trong quá trình đào tạo, các cán bộ giáo dục phải lồng ghép giữa các nội dung chuyên môn với giáo dục tư tưởng nghề nghiệp cho sinh viên nhằm xóa bỏ tâm lý ngại khó, ngại khổ và trang bị kỹ năng xử lý tình huống trong du lịch cho sinh viên.
Thứ ba, thiếu đội ngũ cán bộ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong đào tạo ngành du lịch hiện nay còn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng, còn nặng về kiến thức lý thuyết, chưa có thực hành nghề. Lực lượng giáo viên, giảng viên từ nhiều nguồn khác nhau còn trẻ và ít kinh nghiệm; nhiều giảng viên còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ và phương pháp sư phạm hiện đại... Mức thu nhập còn khiêm tốn, do vậy khó thu hút cán bộ giảng dạy tâm huyết, có trình độ cao. Trong khi đó, ngành du lịch mới được cấp mã ngành đào tạo trình độ Tiến sỹ ở Việt Nam từ tháng 3/2018. Để có được đội ngũ giảng viên có trình độ cao cần phải có thời gian.
Thứ tư, trang thiết bị phục vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo chưa được đầu tư thích đáng. Các cơ sở đào tạo đã chú ý đầu tư về trang thiết bị cho các phòng thực hành đã hướng đến đạt chuẩn theo quy định của ngành, song vẫn còn thiếu chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực hành của sinh viên do nguồn kinh phí hạn hẹp theo quy định của Nhà nước.
Có thể nhìn nhận khách quan về vai trò của du lịch chưa được quan tâm đúng mức trong các hoạt động chuyển đổi cơ cấu và tăng trưởng kinh tế, chưa tạo sức lan tỏa trong phát triển đối với các ngành, các lĩnh vực kinh tế liên quan. Định hướng phát triển nhân lực ngành du lịch vẫn còn hạn chế và khá manh mún, thiếu đồng bộ.
Cùng với đó, sự thiếu hụt trầm trọng các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành du lịch. Sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo thực hành còn yếu dẫn tới chất lượng đào tạo hạn chế, chất lượng việc làm, chưa bền vững.
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện đang làm việc trong các cơ sở du lịch. Gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tại địa phương phù hợp với chiến lược phát triển du lịch quốc gia và phải gắn liền với chiến lược phát triển du lịch của địa phương, phải đặt trong mối liên kết vùng du lịch.
Đối với Nhà trường, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển chuyên sâu đối với đội ngũ giảng viên thông qua đào tạo mới. Hoàn thiện khung chương trình đào tạo đồng bộ với định hướng tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới. tăng cường trải nghiệm và thực hành..
Đối với doanh nghiệp du lịch, cần xây dựng cơ chế lương, thưởng linh hoạt để thu hút, giữ chân và phát huy vai trò nhân lực chất lượng cao làm việc tại doanh nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, và có chính sách thích hợp nhằm tạo môi trường học tập thực tế, thực tập cho sinh viên của các cơ sở đào tạo về du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam
03:00, 10/03/2023
Tín hiệu khởi sắc của du lịch Hà Nội
03:00, 09/03/2023
Du lịch phục hồi, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn có sự phân hóa
05:00, 08/03/2023
Cân đối nhu cầu đào tạo nhân lực du lịch giữa nhà trường và doanh nghiệp
02:00, 08/03/2023
Kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch
04:00, 06/03/2023