Nghệ thuật Sen Việt 2023: Kiến tạo hòa bình và phát triển bền vững
Triển lãm “Nghệ thuật Sen Việt 2023 - Vẻ đẹp thuần khiết” mang theo thông điệp ý nghĩa từ sen về hòa bình, hạnh phúc và hưởng ứng giờ trái đất.
>>Du lịch Hà Nội: Kết nối những giá trị đặc sắc gắn với di sản
Tuần lễ triển lãm “Nghệ thuật Sen Việt 2023 - Vẻ đẹp thuần khiết” đã được chính thức khai mạc vào tối ngày 25/3/2023, tại Chùa Quán Sứ do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng “giờ trái đất”, kêu gọi mọi người cần có trách nhiệm bảo vệ môi trường và khí hậu, lan tỏa giá trị sống ý nghĩa.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn giới thiệu 75 tác phẩm về Sen của hoạ sỹ Nguyễn Thị Kim Đức được vẽ trên nhiều chất liệu và màu sắc khác nhau thể hiện tình yêu và khát vọng hạnh phúc. Chị từng bị trầm cảm và nhờ vẽ tranh sen, chị đã tìm được niềm tin và sống có ý nghĩa. Đó là minh chứng cho nghị lực phi thường, tinh thần và ý chí của người họa sĩ, mang theo thông điệp của hòa bình, hạnh phúc.
Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa liên hợp quốc (UNESCO) và văn phòng UNESCO tại Việt Nam trong nhiều năm qua đã có nhiều hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, văn hóa, truyền thông và thông tin, tích cực giúp đỡ Việt Nam trong các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Truyền tải thông điệp hòa bình cho nhân loại, hạnh phúc của con người trong sự hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ: “75 bức sen của họa sĩ phật tử Kim Đức đã hết mực sáng tạo, cố gắng cống hiến nhiều tác phẩm hội họa về sen. Triển lãm mong muốn mang đến những cảm xúc tích cực, làm động lực giúp mỗi người yêu cuộc sống, yêu con người, vượt qua mọi hoàn cảnh, lấy sức mạnh của yêu thương làm sức mạnh, mang ước vọng tương lai tốt đẹp”.
>>Đẩy mạnh xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Malaysia
Ông Lazare Eloundou Assomo - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới khẳng định: “Đây là cơ hội tuyệt vời chúng ta cùng tôn vinh những vẻ đẹp sáng tạo về nghệ thuật cũng như gìn giữ và nuôi dưỡng sự bình yên trong tâm hồn, hướng đến tầm nhìn chung của UNESCO chính là kiến tạo hòa bình trong tâm hồn của mỗi con người”.
Ông Lazare Eloundou Assomo nhấn mạnh: “Hà Nội với những giá trị văn hóa tiềm năng sáng tạo vô cùng to lớn to lớn, luôn chuyển mình để trở thành trung tâm sáng tạo coi văn hóa là một chất xúc tác trong đổi mới sáng tạo kể từ khi trở thành thành viên của UNESCO. Triển lãm hôm nay là một dịp tuyệt vời để thấy những sáng kiến bao trùm, ý nghĩa và quan hệ đối tác có thể hỗ trợ trong tầm nhìn để phát triển văn hóa sáng tạo, lan tỏa vẻ đẹp nội tâm và mang hy vọng về hòa bình”.
Ông Lazare Eloundou Assomo khẳng định: “UNESCO phối hợp Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Triển lãm “Nghệ thuật Sen Việt 2023” nhằm tôn vinh giao thoa văn hóa nghệ thuật sáng tạo thông qua biểu tượng hoa sen, hướng tới thế giới đại đồng và sự phát triển bền vững”.
Họa sĩ Kim Đức đã có nhiều tác phẩm được khán giả đánh giá cao như: Đợi 300 năm, Kho báu, Lặng lẽ, Liên hoa tịnh cảnh... Đặc biệt là tác phẩm "Vỏ tương lai" (Cover Of Future) 2019, được vinh danh trên nhiều tờ báo thế giới với thông điệp bảo vệ môi trường. Tác phẩm đã từng được chọn in ra làm quà tặng cho giới chức sắc trong Đại lễ Phật Đản Vesak được tổ chức tại Việt Nam năm 2019. Bên cạnh đó, Họa sĩ Kim Đức đã sáng lập Chiến dịch “Thêm một chữ ký, thêm một cây xanh” và tổ chức thế giới “Thêm xanh”. Chuỗi chiến dịch này đã thực hiện trồng được hơn 1,5 triệu cây xanh được trồng tại chùa, trung tâm chất độc da cam, hải đảo…
Chia sẻ về ý nghĩa của 75 bức tranh sen, Họa sĩ Kim Đức bày tỏ: “Sen là biểu tượng cho quá khứ, hiện tại, tương lai hòa bình và hạnh phúc của thế giới loài người. Tôi luôn suy nghĩ trước khi vẽ tôi phải vẽ như thế nào để những người bình thường khi xem tranh thấy vui, tôi đã ý thức rất rõ vẽ điều gì và không có lối vẽ riêng. Vẽ vì tôi muốn người khác cảm thấy thế giới này đang trải qua những ngày tốt đẹp. Tôi vẽ cho những gì tôi thấy trong sách vở, cho vẻ đẹp thiên nhiên, từ ký ức tuổi thơ, cảm xúc từ trong những ước mơ để đổi lấy nụ cười của người lao động”.
Họa sĩ Kim Đức nhấn mạnh: “75 bức tranh sen và bản gốc bức tranh “Vỏ tương lai” được trừng bày tại triển lãm nhân dịp kỷ niệm Ngày Thánh đản của đức Bồ tát Quán Thế Âm và hưởng ứng giờ trái đất, thể hiện tình yêu và sự quan tâm đến môi trường xung quanh. Chúng ta cần trân trọng thiên nhiên, bảo vệ hoa sen cũng như các loài hoa khác để chúng ta và thế hệ mai sau tiếp tục được hưởng những vẻ đẹp tuyệt vời này”.
“Tôi mong UNESCO hãy quan tâm xây dựng và bảo tồn hoa sen, lan tỏa giá trị văn hóa này sang nền văn hóa khác, là giá trị nổi bật toàn cầu trở thành di sản thế giới, trường tồn với thời gian để quảng bá sự trường tồn của hoa sen mà khoa học chưa nghiên cứu hết” – Họa sĩ Kim Đức bày tỏ nguyện vọng.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam nhận xét: “Ở Việt Nam, hoa sen là quốc hoa. Nói đến hoa sen là nói tới biểu tượng chân thiện mĩ của con người, hướng tới cách khác biệt của hoa sen, cố cách cao đẹp. Hoa sen được tất cả mọi người tôn thờ như một sự thanh cao không chỉ trong Phật giáo mà còn trong mỗi gia đình. Hoa sen gắn với đời sống văn hóa, tinh thần và tâm linh của người Việt. Hoa sen như khát vọng của chân - thiện - mĩ để con người hướng tới những gì đẹp nhất. Nói đến hoa sen là nói tới con người Việt, cốt cách Việt, tâm hồn Việt. Sen đã đồng hành hàng nghìn năm thì sẽ tiếp tục đồng hành hàng nghìn và hàng vạn năm nữa với văn hóa Việt thông qua những hoạt động ý nghĩa như thế này”.
Chương trình triển lãm “Nghệ thuật Sen Việt 2023 - Vẻ đẹp thuần khiết” với sự tham gia của Ông Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự cùng Quý hoà thượng, thượng toạ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ông Lazare Eloundou Assomo - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, Ông Christian Manhart – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; Các Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lào, Campuchia tại Việt Nam; Đại diện các cơ quan ngoại giao, Trưởng các cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội và hàng trăm người yêu mến nghệ thuật cùng tham dự. Chương trình sẽ được diễn ra đến hết ngày 31/3/2023 tại Chùa Quán Sứ - 73 Quán Sứ - Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Cổng 69 Lý Thường Kiệt). |
Có thể bạn quan tâm
Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” chính thức khai mạc
22:01, 25/03/2023
Du lịch Hà Nội: Kết nối những giá trị đặc sắc gắn với di sản
07:20, 25/03/2023
Mường La: Cần cuộc "lột xác" về sản phẩm du lịch
02:00, 25/03/2023
Đẩy mạnh xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Malaysia
00:30, 25/03/2023