Kon Tum: Phát triển Măng Đen thành điểm đến du lịch sinh thái

MAI CHIẾN 03/05/2023 09:58

Măng Đen (Kon Tum) đang nổi lên như một viên ngọc thô trong bản đồ của du lịch Việt Nam, một Khu du lịch sinh thái mang tầm quốc gia đang dần hiện hữu.

>>Du lịch Việt Nam qua… phim của Netflix

Với số lượng và nhu cầu của du khách, việc quy hoạch sớm Khu du lịch sinh thái Măng Đen (tỉnh Kon Tum) là một đòi hỏi thực tế. Vì vậy, Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2045.

Tại Quy hoạch này, diện tích nghiên cứu Khu du lịch Măng Đen khoảng 90.152 ha, bao gồm diện tích tự nhiên của thị trấn Măng Đen và 5 xã giáp ranh là xã Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu, Pờ Ê. Hiện nay, tỉnh Kon Tum đang từng bước hiện thực hoá phát triển Khu du lịch Măng Đen trở thành khu du lịch sinh thái mang tầm quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, tạo thành thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.

Làng du lịch cộng đồng ở huyện Kon Plông.

Làng du lịch cộng đồng ở huyện Kon Plông.

Để thu hút đầu tư, tỉnh Kon Tum cũng ban hành chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ về đất đai, được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại và hàng loạt ưu đãi khác. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum đang mời đầu tư 47 dự án du lịch thương mại, riêng Măng Đen huyện Kon Plong có 6 dự án đang được kêu gọi.

Đáng chú ý là Dự án Khu đô thị, tổ hợp dịch vụ, du lịch thuộc phân khu Đông Nam, thị trấn Măng Đen quy mô 273 ha với tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng. Khi thực hiện đầu tư các dự án, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi về thuế, đất, thuế thu nhập và các khoản ưu đãi khác.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – một nhà đầu tư đến từ Đắk Lắk nhận xét tỉnh Kon Tum đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, các đơn vị được đã được đào tạo nhân viên, giảm các loại thuế trong những năm đầu của dự án.

Biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng phục vụ du lịch ở huyện Kon Plông.

Biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng phục vụ du lịch ở huyện Kon Plông.

“Điều này, giúp doanh nghiệp như chúng tôi quan tâm hơn đến các dự án du lịch”, ông Tùng nhìn nhận.

Đến nay, hạ tầng du lịch của Măng Đen đã từng bước được hoàn thiện. Hình thành một khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 2 khu du lịch cộng đồng, một khu phố đi bộ.

Ngoài ra còn nhiều khách sạn, homestay và nhà nghỉ khác để du khách lựa chọn. Khai thác các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch trải nghiệm văn hóa - lịch sử, bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số có hiệu quả.

Anh Nguyễn Đức Doanh, một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết phần lớn khách du lịch khi đến đây đều muốn trải nghiệm khung cảnh hoang sơ với thảm rừng xanh ngát, khí hậu mát mẻ đặc trưng.

“Đến Măng Đen lần này, tôi muốn đi thăm đủ 3 hồ, 7 thác, thăm Đức Mẹ Măng Đen. Khám phá và tìm hiểu cuộc sống của bà con bản địa, về văn hóa, phong tục của bà con nơi đây”, anh Doanh nói.

Du khách đổ về Măng Đen trong kỳ nghỉ lễ 30-4 năm nay.

Du khách đổ về Măng Đen trong kỳ nghỉ lễ 30-4 năm nay.

Nghệ nhân Ưu tú Y Lim sống tại làng du lịch cộng đồng Kon Bring, thị trấn Măng Đen cho biết, dịp nghỉ lễ này các hộ gia đình trong làng có khả năng cung ứng từ 200 - 300 lượt khách lưu trú mỗi ngày.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 này, ước tính Măng Đen đã đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Với nhiều lợi thế, du lịch Măng Đen đã có bước phát triển bứt phá, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Du lịch địa phương phát triển đã tạo việc làm và sinh kế bền vững cho nhiều người dân, tạo động lực thúc đẩy, định hướng chiến lược phát triển cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, số khách đến Măng Đen tiếp tục tăng mạnh trong năm 2023, chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã đón 500.000 lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, năm 2022 điểm đến này đón được 600.000 nghìn lượt khách, thu về gần 250 tỷ đồng từ du lịch. Những con số tích cực đã giúp địa phương xác định thế mạnh, ưu tiên đầu tư cho du lịch.

Đến nay, cơ sở hạ tầng du lịch huyện Kon Plông đã có hơn 60 cơ sở lưu trú với hơn 800 phòng nghỉ, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 3.500 khách mỗi ngày.

Ông Đặng Quang Hà - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, địa phương đã và đang tạo được sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực có thế mạnh, đặc biệt là thế mạnh phát triển đô thị, du lịch, nông nghiệp và năng lượng tái tạo. Trong đó, địa phương đã xúc tiến thu hút đầu tư nhiều dự án du lịch trọng điểm.

Để phát triển Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông định hướng khai thác tối đa các lợi thế độc đáo về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên và nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thêm các tour du lịch thể thao tận dụng sự sẵn có của địa hình.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Giao thông mở đường cho du lịch

    Quảng Ninh: Giao thông mở đường cho du lịch "cất cánh"

    03:00, 03/05/2023

  • Du lịch Đồ Sơn

    Du lịch Đồ Sơn "thức giấc"

    02:30, 03/05/2023

  • Tín hiệu mừng của du lịch quốc tế

    Tín hiệu mừng của du lịch quốc tế

    14:07, 02/05/2023

MAI CHIẾN