Vẫn thiếu cơ chế cho du lịch xanh Quảng Nam
Sau hơn 2 năm triển khai, định hướng phát triển du lịch xanh tại Quảng Nam đã đạt nhiều kết quả, tuy nhiên để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn thì cần có thêm cơ chế mới.
>>Quảng Nam: Nhiều “điểm nghẽn” phát triển du lịch xanh
Hơn 2 năm triển khai phát triển du lịch xanh theo Kế hoạch 5177, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh với 11 doanh nghiệp được cấp chứng nhận. Cùng với đó, địa phương và doanh nghiệp đã thiết lập được nhiều mô hình du lịch xanh ở nhiều loại hình du lịch.
Thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Quảng Nam, hiện đã có thêm hơn 20 đơn vị nộp hồ sơ tham gia và hội đồng thẩm định sẽ sớm tổ chức đánh giá. Theo đánh giá, nhận thức về phát triển du lịch xanh được lan tỏa rộng rãi ở nhiều địa phương, ở cả khu vực công lẫn khu vực tư.
Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn còn boăn khoăn về cơ chế khuyến khích để thúc đẩy, lan tỏa du lịch xanh. Trong đó, mạng lưới doanh nghiệp du lịch hện nay đa phần có quy mô vừa và nhỏ, nếu không có các hình thức ưu đãi, khuyến khích thực chất thì với nguồn lực hạn hẹp của doanh nghiệp rất khó để chuyển đổi.
Theo ông Trần Thái Do, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Á Đông Villas, chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort, bộ tiêu chí Du lich xanh cần cập nhật thêm một vài điểm mới nhằm hướng tới cảm xúc của khách hàng. Lấy ví dụ, ông Do cho rằng một số tiêu chí tiết giảm liên quan đến sinh hoạt của khách nếu thực hiện sẽ giúp đơn vị tiết kiệm nhưng lại ảnh hưởng đến sự thoải mái của du khách.
Tương tự, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Santa Sea Villa, Chủ nhiệm CLB Quảng Nam - Gìn giữ giá trị bản địa cho rằng với chuỗi sản phẩm mà làng chài Tân Thành có, khu vực có thể là đầu mối quảng bá điểm du lịch cho các địa phương vùng xa, kết nối các địa phương giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản. Theo ông Việt, Quảng Nam có tài nguyên làm du lịch cộng đồng cao với “hub” là TP Hội An.
“Các địa phương cần hoàn thiện bản đồ tour tuyến số kết nối Hội An đến các điểm du lịch khác. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam có thể hỗ trợ kết nối giao thông như thành lập tuyến buýt du lịch từ Hội An đi các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác hỗ trợ du khách bằng cách vừa cung cấp thông tin các điểm đến vừa kịp thời giải quyết, xử lý các tình huống phát sinh để xây dựng hình ảnh điểm đến Quảng Nam tốt hơn”, ông Việt đề xuất.
Hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc của bộ tiêu chí như thiếu bộ tiêu chí đánh giá cho lĩnh vực nhà hàng - cửa hàng lưu niệm, nhận diện của du khách đến chứng nhận rất thấp… Đặc biệt, mối quan tâm của doanh nghiệp nằm ở việc chưa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, khu điểm du lịch chuyển đổi các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ đáp ứng theo yêu cầu của bộ tiêu chí hoặc mô hình du lịch xây dựng theo tiêu chí xanh, bền vững.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần làm việc với các đại lý du lịch trực tuyến để quảng bá mạnh hơn bộ tiêu chí, có giải pháp để các đơn vị ưu tiên quảng bá, hiển thị các cơ sở lưu trú, điểm đến tiếp cận thực hành du lịch xanh. Ngoài việc hỗ trợ về chính sách, tài khóa, cơ quan chức năng có thể ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy du lịch xanh bắt đầu bằng truyền thông và thu hút nguồn khách thông qua việc tổ chức sự kiện.
Cùng với đó, doanh nghiệp và địa phương cùng “bắt tay” nghiên cứu giải pháp thị trường hóa sản phẩm du lịch xanh để đối tác tìm hiểu, thúc đẩy giao dịch sản phẩm du lịch xanh. Song song là nâng tầm tiêu chí của Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam, qua đó mở rộng sự tham gia của các đơn vị.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nếu đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch xanh là điều rất tốt. Tuy nhiên, ông Thủy cũng nhìn nhận hiện nay còn rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư bởi nguồn lực hỗ trợ khá eo hẹp.
“Chính quyền cần xác định yếu tố ưu tiên để thúc đẩy du lịch xanh trong ngắn hạn. Trước mắt cần tập trung về truyền thông và thúc đẩy thị trường hóa sản phẩm du lịch xanh”, ông Thủy kiến nghị.
Hiện nay, Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Quảng Nam cũng đang thực hiện rà soát để cập nhật, chỉnh sửa phù hợp hơn cho Bộ tiêu chí du lịch xanh. Trong giai đoạn hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp tham gia thông qua sự vận động, các đơn vị tự nguyện áp dụng, thực hành chứ chưa có cơ chế khuyến khích lẫn chế tài để thúc đẩy vấn đề này.
Thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng đề án hỗ trợ phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2030. Trong đó, Quảng Nam sẽ chủ động liên kết với các địa phương khác để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch xanh, tạo thành tour du lịch xanh để tăng thêm sức hút.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận việc phát triển du lịch xanh tại địa phương đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, ông Bửu cũng cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của đa ngành, đa lĩnh vực chứ không chỉ riêng ngành du lịch bởi định hướng này có tầm nhìn dài hạn về sau.
“Rõ ràng mục tiêu trong phát triển du lịch xanh cũng như định vị bộ tiêu chí là hướng đến tầm quốc tế chứ không chỉ trong phạm vi hạn hẹp, không nên giới hạn số lượng doanh nghiệp và cần có kế hoạch hằng năm để triển khai. Đồng thời, cần có các liên kết như thu hút doanh nghiệp làm du lịch xanh, liên kết với các hợp tác xã và hộ nhỏ để đưa sản phẩm du lịch vào”, ông Hồ Quang Bửu nói.
Có thể bạn quan tâm