Du lịch trải nghiệm miệt vườn mùa vải chín
Những ngày này, về Thanh Hà nhìn những vườn vải thiều chín đỏ đang vào vụ thu hoạch tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, khiến cho các du khách thích trải nghiệm đã đến không thể nào quên.
>>>Hải Dương: Hoàn thiện hệ thống giao thông, thúc đẩy liên kết vùng
Tiềm năng
Khi những chùm vải thiều chín đỏ soi bóng xuống dòng sông Đồng Mẩn cũng là lúc du khách khắp nơi háo hức về thăm miệt vườn xứ vải Thanh Hà. Những năm gần đây ngoài niềm vui vải được mùa, được giá, nông dân Thanh Hà còn có thêm niềm tự hào được chọn là điểm đến của nhiều du khách muốn trải nghiệm không khí đồng quê. Đặc biệt mùa vải năm nay, Thanh Hà đón rất nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm.
Theo huyện Thanh Hà: Đề án “Phát triển các điểm du lịch sinh thái sông Hương trên địa bàn huyện Thanh Hà giai đoạn 2021-2025” được UBND huyện phê duyệt năm 2021 là một trong 6 đề án trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.
Để thực hiện tốt đề án, địa phương đang từng bước khai thác và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên hiện có nhằm phát triển du lịch. Huyện thực hiện 3 nhiệm vụ: xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng, bảo đảm môi trường góp phần phát triển du lịch bền vững.
Trong xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, huyện đã đầu tư sản xuất ổi, vải, chuối gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm, di sản. Năm 2022, các xã, thị trấn trong huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất, lập danh sách các hộ trong vùng, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho các hộ dân. UBND các xã chủ động tham mưu cải tạo đường nông thôn, đường ra cánh đồng vải VietGAP, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng các điểm khai thác phát triển du lịch như ở vùng vải sớm các xã Thanh Quang, Thanh Cường; vải thiều chính vụ ở các xã Thanh Xá, Thanh Sơn, Thanh Khê.
Du lịch di sản thăm cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn) đến nay được đầu tư các công trình như nhà đón tiếp khách, xây ao và kè bờ, khu vực sân.
Từ đầu tháng 6 đến nay, mỗi ngày khu vườn có cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn và khu sinh thái Đồng Mẩn, xã Thanh Khê (Thanh Hà) đón tiếp hàng trăm lượt khách đến tham quan. Du khách thường đến đông nhất vào những ngày cuối tuần, cao điểm có ngày đón trên 1.000 lượt khách. Ngoài tham quan cây vải tổ, du khách còn di chuyển bằng thuyền dọc sông Đồng Mẩn thưởng ngoạn cảnh quan, trải nghiệm hái vải.
Theo chị Nguyễn Lan Anh – du khách Hà Nội: Không những chỉ cây vải tổ cả làng vải thiều chín rộ và bước vào vụ thu hoạch. Thời điểm này, các nhà vườn dù rất bận rộn thu hoạch vải nhưng vẫn vui vẻ, niềm nở đón khách đến tham quan, trải nghiệm tại vườn. Ngoài được hái trải nghiệm vải còn có được cảm giác rất yên bình và mơ mộng. Tuy nhiên theo chị Lan Anh, để khai thác tốt tiềm năng du lịch của Thanh Hà, địa phương cần quảng bá nhiều hơn.
Hướng đến chuyên nghiệp
Để hướng đến du lịch trải nghiệm miệt vườn chuyên nghiệp đầu năm 2023, huyện Thanh Hà đã thành lập Tổ cộng tác viên hướng dẫn du lịch với 15 thành viên. Tổ có nhiệm vụ giúp UBND huyện hướng dẫn, giới thiệu, cung cấp các thông tin về văn hóa, lịch sử, địa lý cho du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch. Đây cũng là kỳ vọng của huyện vào sự đổi mới hướng dẫn du lịch sinh thái miệt vườn chuyên nghiệp hơn.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Hà: Không chỉ triển khai bài bản về sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nhân lực phục vụ du lịch, huyện Thanh Hà đặc biệt quan tâm quảng bá, xúc tiến du lịch.
Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu du lịch sinh thái miệt vườn huyện Thanh Hà được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin từ Trung ương đến địa phương, các website, mạng xã hội nhằm thu hút khách du lịch. Hằng năm, địa phương xây dựng nguồn thông tin, tư liệu in trên 15.000 tờ gấp giới thiệu các tuyến, điểm du lịch sinh thái, tham quan di tích; chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khu sinh thái. Thông qua các hoạt động này, người dân đã dần hình thành ý thức tự giác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự.
Huyện chỉ đạo các xã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, khai thác nguồn tài nguyên hiện có là các vườn cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của huyện thì một số xã còn chưa chủ động khai thác tiềm năng du lịch, có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Vì vậy, chưa khuyến khích được nhiều người dân phát triển du lịch, chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ tham gia. Bên cạnh đó, một số chính sách của Nhà nước về phát triển du lịch sinh thái chưa đồng bộ, đầu tư cho du lịch sinh thái còn thấp, chưa tạo động lực cho chính quyền, nhân dân.
Theo ông Nguyễn Minh Phương – PGĐ Công ty Vietravel HP cho biết: Để phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm hướng đến chuyên nghiệp, địa phương cần phải có chính sách hỗ trợ, đầu tư rộng trên địa bàn. Trong đó ưu tiên lĩnh vực du lịch. Quan tâm liên kết tổ chức các tour trục cao tốc nhằm thu hút khách du lịch các tỉnh lân cận. Tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ thương mại giới thiệu các sản phẩm nông sản có thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất cây ăn quả. Địa phương cần xây dựng các bài thuyết minh bài bản, giới thiệu về các khu, điểm du lịch trọng điểm trong mùa vải này để phục vụ khách du lịch chu đáo hơn.
Có thể bạn quan tâm