Thời gian qua, Hải Dương đã hoàn thiện nhiều công trình kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng Duyên hải bắc bộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
>>>Hải Dương: tháo gỡ khó khăn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Xây dựng 3 cầu và đường dẫn cầu...
Theo tỉnh Hải Dương: Những năm gần đây, nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp với quy mô đồng bộ, hiện đại, mang tính đột phá. Cùng với đó, các dự án kết nối Hải Dương với địa phương lân cận, tạo nền tảng phát triển kinh tế vùng đã được triển khai và hoàn thành. Thời gian tới Hải Dương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hải Phòng, Quảng Ninh hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông.
Để tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, mới đây HĐND tỉnh Hải Dương đã nhất trí thông qua các Nghị quyết xây dựng 3 cầu và đường dẫn cầu tại kỳ họp thứ 15. Tổng số vốn đầu tư của các dự án này lên tới gần 1.700 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.
Theo đó, các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến các công trình giao thông bao gồm: xây dựng cầu Tân An và đường dẫn nối QL18 ở Hải Dương; cầu vượt sông Kinh Môn; đường dẫn cầu Cậy mới ở Cẩm Giàng.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương: dự án cầu Tân An và đường dẫn nối QL18 (TP.Chí Linh, Hải Dương), tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án này là 600 tỉ đồng. Mục tiêu đầu tư dự án để kết nối với dự án xây dựng tuyến mới nối nút giao đường tỉnh 390 đến QL18, đoạn qua địa phận H.Nam Sách nhằm từng bước hoàn thành trục giao thông kết nối liên vùng, nối QL5 với QL18 từ TP.Hải Dương qua cầu Hàn, qua địa bàn H.Nam Sách đến TP. Chí Linh. Đồng thời, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện tại, đặc biệt với tuyến QL37. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực theo quy hoạch.
Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách tỉnh Hải Dương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong tổng mức đầu tư 600 tỉ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tạm tính chiếm hơn 90,1 tỉ đồng, chi phí xây dựng chiếm gần 431,5 tỉ đồng và các chi phí khác. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2023 - 2025.
Tiếp đó, Dự án, Cầu vượt sông Kinh Môn 600 tỉ đồng kết nối với QL5. Đây là dự án cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với QL5 là dự án nhóm B do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư.
Theo tỉnh Hải Dương: Việc đầu tư xây dựng dự án này là rất cần thiết để kết nối đồng bộ 2 công trình và tạo thành trục giao thông kết nối TX.Kinh Môn với H.Kim Thành, và tỉnh Hải Dương với tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng, góp phần giảm tải các tuyến đường có mật độ giao thông lớn.
UBND tỉnh Hải Dương dự kiến lấy ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Địa điểm thực hiện dự án này ở TX.Kinh Môn và H.Kim Thành (Hải Dương) trong giai đoạn 2023 - 2025.
Đối với dự án đường dẫn cầu Cậy mới ở Cẩm Giàng và đường 33 m kéo dài (qua địa phận H.Cẩm Giàng) nối đường Vũ Công Đán (TP.Hải Dương) được UBND tỉnh Hải Dương đề nghị đầu tư gần 469,5 tỉ đồng xây dựng từ nguồn ngân sách của tỉnh trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, việc đầu tư dự án là cần thiết để hoàn thành trục giao thông kết nối liên vùng nối đường Vũ Công Đán (TP.Hải Dương) đến TT.Kẻ Sặt (H.Bình Giang), kết nối với nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại đường tỉnh 392. Đồng thời kết nối với các tuyến đường trục chính đã xây dựng, giải quyết ùn tắc và mất an toàn giao thông khu vực cầu Cậy hiện nay.
Như vậy, với 3 dự án giao thông trọng điểm gồm xây dựng cầu và đường dẫn cầu tổng số vốn lên tới gần 1.700 tỉ đồng, tỉnh Hải Dương kỳ vọng khi thực hiện xong dự án sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa và phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương nói riêng và khu vực Duyên hải Bắc bộ nói chung.
Kết nối hạ tầng giao thông
Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hải Dương, với trên 12.000 km đường bộ các loại, hơn 400 km đường thủy nội địa và trên 60 km đường sắt, thời gian tới, Hải Dương sẽ phát triển hệ thống giao thông phù hợp với định hướng tổ chức không gian của tỉnh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý.
Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể phát triển giao thông - vận tải, trên cơ sở đó, hoàn thiện đồng bộ, hiện đại quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2035, 2050; trong đó, giai đoạn 2020 - 2025 sẽ đầu tư nâng cấp trọng tâm vào hệ thống đường tỉnh. Để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng trong giao thương, Hải Dương sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường hợp tác đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng.
Cụ thể, những công trình mang điểm nhấn là xây dựng cầu Triều, cầu Mây và đường dẫn nối QL18 (thị xã Đông Triều) với QL5 và thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương). Trong đó, Quảng Ninh đầu tư cầu Triều, đường dẫn nối với QL18; Hải Dương xây dựng 4,5km đường dẫn đầu cầu Triều nối ĐT 389 và xây dựng cầu Mây kết nối ĐT389 với QL5, xây dựng 1 km đường nối đầu cầu Triều với thị xã Kinh Môn, kinh phí 42 tỷ đồng. Đây là các dự áɴ có tính đột phá về kinh tế – xã hội cho thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Xây dựng tuyến kết nối đường tỉnh 398 (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 345 (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); tuyến kết nối mới từ QL 18 với QL 37 nối đường 184 (địa phận thành phố Chí Linh) và cầu Đông Mai nối đến QL18, thị xã Đông Triều. Trong đó, Quảng Ninh xây dựng cầu Đồng Mai, Hải Dương xây dựng tuyến tránh mới nối QL18, QL37 với cầu Đông Mai từ ngân sách của thành phố Chí Linh.
Hải Dương và thành phố Hải Phòng đã hoàn thành xây dựng cầu Dinh và đường dẫn kết nối đường trục thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với đường tỉnh 352 huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng); xây dựng tuyến kết nối đường tỉnh 390 huyện Thanh Hà (Hải Dương) vượt sông Thái Bình nối Quốc ʟộ 10 huyện An Lão (thành phố Hải Phòng). Trong đó, Hải Phòng xây dựng cầu Quang Thanh và đường dẫn; Hải Dương xây dựng đường dẫn đầu cầu, hoàn thành đồng bộ cùng thời điểm thông xe với công trình cầu Quang Thanh.
Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: Với những nỗ lực, mục tiêu cụ thể, hạ tầng giao thông của tỉnh đang ngày một hoàn thiện, góp phần quan trọng giúp tỉnh Hải Dương phát huy các tiềm năng sẵn có trong thu hút đầu tư, tạo dựng nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cùng với giao thông, các địa phương cũng tích cực phối hợp phát triển trong các lĩnh vực công thương, nông nghiệp, du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại những khu vực giáp ranh.
Được biết, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hải Dương xác định một trong 3 đột phá chiến lược là: huy động đa dạng các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu nhằm kết nối hài hòa với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu đi lại tốt hơn của nhân dân, mà còn đi trước một bước, tạo cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng bền vững.
Có thể bạn quan tâm