Quảng Ninh: Tăng cường phát triển mô hình du lịch sinh thái
Bên cạnh lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, Quảng Ninh có tiềm năng để phát triển mô hình du lịch sinh thái.
>>>Thái Bình: Thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản
Thời gian qua, tỉnh, các sở, ngành, địa phương và người dân trên địa bàn đã bắt đầu khai thác tài nguyên này, coi đây là hướng đi mới để phát triển bền vững ngành Du lịch. Qua đó, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.
Những mô hình “du lịch xanh”
Năm 2011 chính quyền xã Yên Đức cùng Tổng Công ty Du lịch Sen Á Đông – TX Đông Triều phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, biến làng quê nơi đây thành một điểm du lịch hấp dẫn.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - đại diện Công ty du lịch Toàn Cầu: Từ một làng quê đơn thuần, người dân chủ yếu sống nhờ nông nghiệp đến nay làng quê Yên Đức đã không còn xa lạ với nhiều du khách. Từ những nông dân vốn chỉ quen chân lấm tay bùn, bình dị thường ngày đã bắt đầu thay đổi tư duy, biết khai thác những nét đẹp về văn hóa, cảnh vật đặc trưng của vùng thôn quê thành những sản phẩm du lịch đặc biệt, thu hút du khách. Nhờ đó, làng quê Yên Đức luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế khi muốn trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh.
Theo UBND TX Đông Triều: Trước khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tính trung bình mỗi năm Yên Đức đón khoảng 20.000-30.000 lượt khách, chủ yếu là khách châu Âu. Từ mô hình đầu tiên tại làng quê Yên Đức (TX Đông Triều), những bản làng, trang trại, cánh đồng để phát triển du lịch sinh thái ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Với lợi thế là vùng trồng cam lâu năm trên địa bàn huyện Vân Đồn, ngoài việc đưa quả cam đến thị trường thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống, nhiều chủ vườn cam xã Vạn Yên cũng tranh thủ tận dụng trang trại để phát triển du lịch trải nghiệm. Mỗi năm vào dịp tháng 11, tháng 12, vùng cam Vạn Yên lại đông như trẩy hội, bởi lượng người đến tham quan, ngắm cảnh, dã ngoại.
Theo ông Trần Văn Hậu - Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên: Vườn cam từ lâu đã mang lại nguồn thu nhập chính của doanh nghiệp. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ cam có giảm, nhưng thay vì bán cam thông thường, doanh nghiệp tôi đã mở cửa đón du khách đến tham quan. Mỗi ngày vườn nhà tôi đón gần 1.000 khách tới tham quan, chụp ảnh và mua cam mang về, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng.
Tương tự như vùng cam Vạn Yên, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Sơn Dương (TP Hạ Long) cũng bắt đầu tiếp cận mô hình kinh tế mới dựa trên khai thác lợi thế vườn ổi, cam, bưởi sẵn có.
Năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Trung - thôn Đồng Đặng - xã Sơn Dương đã đầu tư mở rộng quy mô vườn trồng lên đến gần 10.000m2 với 100 cây bưởi, 100 cây hồng xiêm, 100 cây mận, 1.000 cây ổi và 2.000 cây trà hoa vàng. Từ vườn cây này, trừ chi phí mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Theo ông Trung: 2 năm nay, trước xu hướng du lịch trải nghiệm sinh thái ngày càng phát triển, anh Trung mạnh dạn cải tạo vườn tược, đào ao, thả cá, trồng hoa, tạo khuôn viên vườn mẫu xanh, sạch đẹp.
Nhờ đó, vườn nhà anh đã trở thành một trong những điểm du lịch trải nghiệm sinh thái hấp dẫn của xã. Du khách đến đây có thể trực tiếp hái ổi, câu cá và ăn uống tại vườn. Ngoài ra còn rất nhiều mô hình du lịch nông nghiệp khác cũng là điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh mỗi dịp cuối tuần, lễ, tết. Tiêu biểu như: Đồi chè xã Quảng Long - huyện Hải Hà. Hay trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ - xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi - TP Hạ Long; trang trại rau an toàn của Công ty CP Đầu tư Song Hành - TX Quảng Yên. Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại 188 - TX Đông Triều...
Mở rộng không gian du lịch
Theo Sở Du lịch: Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhu cầu của du khách cũng có những thay đổi, hướng nhiều hơn tới các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm. Nắm bắt xu thế này, nhiều mô hình, sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm với quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, đi vào hoạt động. Với dòng sản phẩm này, du khách có thêm sự lựa chọn với mức chi phí tiết kiệm và đem lại lợi ích cho dân cư bản địa. Tuy nhiên cũng đặt ra không ít vấn đề trong công tác quản lý của các địa phương.
Theo UBND TP Hạ Long: Năm 2023, TP Hạ Long phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 18.700 tỷ đồng. Hiện thành phố chủ động làm mới các sản phẩm du lịch, tiếp tục khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người và các tuyến giao thông mới đưa vào sử dụng. Từ đó, mở rộng không gian du lịch phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới, đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao và phù hợp với từng phân khúc của thị trường du khách, hạn chế tính mùa vụ, tăng tính bền vững cho du lịch thành phố.
Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y xã Bằng Cả là một trong số điểm đến du lịch văn hóa bản địa hấp dẫn tại TP Hạ Long. Nơi đây lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y và là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng giúp gắn kết tình cảm và lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Dao bản địa. Tháng 4 vừa qua, một số công ty lữ hành bắt đầu đón khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm tại khu bảo tồn.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Công ty TNHH Tân Hồng Chi nhánh Quảng Ninh cho biết: Chúng tôi đã đưa một số đoàn khách du lịch tàu biển đến tham quan trải nghiệm bản sắc văn hoá dân tộc Dao Thanh Y. Các đoàn khách tham quan mô hình trồng cây trà hoa vàng và thưởng thức trà hoa vàng, mô hình nấu rượu bâu truyền thống và thăm Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y, khám phá kiến trúc 3 nếp nhà truyền thống của người Dao, trải nghiệm ngâm chân lá thuốc, thưởng thức các món ăn dân tộc, hoà mình vào những hoạt động văn hoá văn nghệ và trang phục truyền thống đồng bào Dao Thanh Y. Du khách quốc tế rất hào hứng với các hoạt động này.
Cùng với Bằng Cả, Kỳ Thượng là một trong những điểm đến yêu thích của du khách bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp, bầu không khí trong lành, yên tĩnh khác hẳn chốn thị thành. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng được khai thác song song cùng với giá trị sinh thái, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo.
Tại đây, một số đơn vị đã đầu tư xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mang đặc trưng phong cách người dân bản địa. Có thể kể đến Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm với thiết kế nhà sàn bằng gỗ cùng khuôn viên rộng gần 2.000m2 phục vụ các dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi. Sau khi trải nghiệm với thiên nhiên, du khách được chào đón bởi nhân viên là chính những người dân trong trang phục Dao truyền thống. Đồng thời, được tham quan nhà cộng đồng là nơi trưng bày trang phục, nông cụ sản xuất, nghe giới thiệu về văn hóa bản địa và xem, học thêu thổ cẩm cùng các bà, các chị là người dân địa phương.
Theo Sở Du lịch: Với sự cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường du lịch trong và ngoài nước, ngành Du lịch Quảng Ninh đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sản phẩm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Vì vậy, việc đầu tư phát triển du lịch mô hình du lịch sinh thái ở Quảng Ninh là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của chương trình du lịch, nâng cao đời sống người dân và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút khách.
Quảng Ninh đang thực hiện lộ trình mở lại các hoạt động du lịch quốc tế sau một thời gian dài đóng băng vì đại dịch COVID - 19. Việc phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, cộng đồng… hứa hẹn tạo ra thị trường du lịch đa dạng cho du khách khi đến với Quảng Ninh.
Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành của tỉnh, chính quyền các địa phương và sự hưởng ứng tích cực của tổ chức doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành, các cơ sở canh tác và cộng đồng dân cư… để các mô hình này mang tính chuyên nghiệp hơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm