Khánh Hòa lên kế hoạch phát triển kinh tế đêm

TUẤN VỸ 16/07/2023 03:00

Theo Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, địa phương này đã lên kế hoạch cho 3 nhóm sản phẩm trọng tâm trong giai đoạn thí điểm.

>>Tư duy số trong phát triển du lịch

Là một địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế ban đêm, thời gian qua tại tỉnh Khánh Hòa đã bước đầu xây dựng và phát triển các hoạt động, dịch vụ về đêm cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, tại vùng lõi của du lịch là TP Nha Trang đã đón được lượng khách du lịch lớn, ngày càng tăng kể cả khách nội địa và khách quốc tế.

Song song với lượng khách tăng, nhu cầu và mức chi tiêu của du khách cho các hoạt động về đêm cũng đang tăng dần. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa đã lên định hướng về việc phát triển 3 nhóm sản phẩm trọng tâm gồm Sự kiện tạo dấu ấn địa phương - Sự kiện chính tạo thương hiệu và thu hút du khách - Các sản phẩm lõi.

Cụ thể, tại các sản phẩm lõi đặc trưng của du lịch tỉnh Khánh Hòa được địa phương này tập trung phát triển theo 4 mảng là Hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí - Dịch vụ ăn uống - Dịch vụ mua sắm - Dịch vụ tham quan du lịch về đêm. Trong đó, TP Nha Trang sẽ là trọng tâm phát triển kinh tế đêm. Ngoài ra còn có 3 khu vực khác nằm trong đề án này.

Nhiều sự kiện du lịch tại Khánh Hòa thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.

Nhiều sự kiện du lịch tại Khánh Hòa thu hút được lượng lớn sự quan tâm từ du khách.

Về các hoạt động, địa phương này sẽ thí điểm triển khai chương trình nghệ thuật, văn hóa, tổ chức tuyến phố đi bộ, chợ đêm tương tác, đại lộ ẩm thực đêm, phố ẩm thực trải nghiệm,... Cùng với đó sẽ có các công trình chiếu sáng nghệ thuật, các khu mua sắm đêm, cửa hàng tiện lợi 24/7,…

Tại kế hoạch, Khánh Hòa chia ra làm hai giai đoạn để phát triển kinh tế đêm. Trong đó, giai đoạn 1 (dự kiến năm 2023-2025) các ngành chức năng sẽ khảo sát, lựa chọn tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm sẵn có.

Giai đoạn 2 (dự kiến năm 2026-2030), Khánh Hòa sẽ hoàn thành định hướng mô hình phát triển, tổ chức kêu gọi, triển khai các dự án phục vụ phát triển. Cụ thể là xây dựng một số khu tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm riêng biệt, tách biệt với khu dân cư, quy mô lớn.

Về công tác xây dựng sản phẩm, Khánh Hòa xác định phát triển có trọng tâm, trọng điểm chứ không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm một cách đại trà. Bước đầu sẽ lựa chọn một số điểm, khu du lịch hấp dẫn, thuận lợi cho việc tổ chức các sản phẩm, dịch vụ du lịch, đầu tư bài bản trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển.

Đặc biệt, Khánh Hòa cũng sẽ phát triển thí điểm hoạt động Kinh tế ban đêm với thương hiệu “New Khánh Hòa – New Nha Trang”, tầm nhìn trở thành điểm đến du lịch 24/7 hấp dẫn hàng đầu trong nước và khu vực. Kinh tế đêm sẽ được quy hoạch tại các khu vực mang tính biểu tượng, điểm đến hiện tại của khách du lịch tại một số địa điểm riêng biệt về không gian và thời gian.

Dựa vào kinh tế đêm

Dựa vào kinh tế đêm, Khánh Hòa sẽ có những biến chuyển tích cực hơn trong việc phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa việc phát triển kinh tế ban đêm trong bối cảnh hiện tại phù hợp với định hướng phát triển du lịch gắn với hình ảnh năng động, an toàn, thân thiện, văn minh. Cùng với đó, bà Thanh cũng cho rằng địa phương sẽ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua việc đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch để khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh.

“Ngành du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 4,3 triệu lượt khách du lịch nội địa”, bà Thanh cho biết.

Trước đó, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh, đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh đón 13,8 triệu lượt khách lưu trú. Mục tiêu cụ thể địa phương sẽ  đón 7 triệu lượt khách quốc tế và 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Khánh Hòa cũng sẽ tập trung các nguồn lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn bao gồm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch di sản văn hóa, tâm linh,...; Đặc biệt sau dịch bệnh, ngành du lịch địa phương đã thực hiện tái cấu trúc  để thu hút nguồn khách trong nước và khách quốc tế, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển thêm ngành phụ trợ du lịch.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Quảng Ninh: “Thắp sáng” kinh tế đêm

    Du lịch Quảng Ninh: “Thắp sáng” kinh tế đêm

    03:40, 18/05/2023

  • Kinh tế đêm và tư duy mở của một vị Chủ tịch tỉnh

    Kinh tế đêm và tư duy mở của một vị Chủ tịch tỉnh

    05:00, 03/05/2023

  • Du lịch Quảng Ninh: Đánh thức kinh tế đêm

    Du lịch Quảng Ninh: Đánh thức kinh tế đêm

    03:00, 11/10/2022

  • Cần gì cho kinh tế đêm Quảng Nam?

    Cần gì cho kinh tế đêm Quảng Nam?

    11:43, 03/10/2022

TUẤN VỸ