Đối với kinh tế đêm tại Quảng Nam, địa phương cần có thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp với Đề án phát triển du lịch xanh, tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến với địa phương.
>>Kết nối mạng lưới khởi nghiệp quốc tế
Với Đề án phát triển du lịch xanh, tỉnh Quảng Nam đang thu hút được lượng lớn khách du lịch có trách nhiệm, được trải nghiệm nhiều hơn và chi trả nhiều hơn.
Thêm sản phẩm có dấu ấn
Với nhiều nỗ lực của ngành du lịch, trong 9 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại Quảng Nam ước đạt 4.288.500 lượt khách, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, địa phương đã vượt kế hoạch đề ra trong năm 2022 là 4,2 triệu lượt
Theo thông tin, đã có 411.000 lượt khách quốc tế đến với Quảng Nam, tăng gấp 26 lần so với cùng kỳ năm 2021. Khách nội địa ước đạt 3.877.500 lượt khách, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm 2021, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù số lượng khách tăng vượt kế hoạch, nhưng thời gian lưu trú tại địa phương còn ngắn, mức chi tiêu vẫn còn khá thấp. Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ việc địa phương thiếu sản phẩm vào ban đêm để khách du lịch có thể ở lại, chi tiêu và trải nghiệm. Do đó, các doanh nghiệp đều mong mỏi chính quyền địa phương có thêm cơ chế để phát triển thêm nhiều sản phẩm về đêm mang dấu ấn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn Hóa – Thể thao & Du lịch Qảng Nam địa phương sẽ phát triển thêm các loại hình du lịch đường thủy theo các tuyến đường sông, đường biển để phục vụ du lịch. Đồng thời, để thúc đẩy các hoạt động du lịch về đêm đã được Trung ương quy hoạch, du lịch Quảng Nam cũng đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch”.
“Qua đó tạo ra giá trị gia tăng lớn cho ngành du lịch cùng các ngành nghề liên quan, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cộng đồng ở các điểm đến du lịch. Đồng thời, xây dựng các chương trình, chính sách giảm giá để kích cầu du lịch thông qua liên kết giữa các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ... Xây dựng các tour du lịch độc đáo, đặc thù theo hướng xanh để tăng trải nghiệm cho du khách vào ban đêm, tăng thời gian lưu trú tại địa phương”, ông Hồng cho hay.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam đề xuất tỉnh Quảng Nam cần mở rộng thêm không gian du lịch, qua đó từng bước tiếp cận điểm du lịch để hình thành sản phẩm thu hút khách vào ban đêm. Theo ông Thắng, địa phương nên cải thiện môi trường du lịch, trong đó tăng ánh sáng, giảm tiếng ồn và phát huy giá trị tài nguyên bằng nhiều “chất liệu” màu sắc.
“Các sản phẩm về đêm cần được thiết kế phù hợp với từng loại hoạt động và đối tượng du khách. Trong đó, tính hoàn hảo, tỉ mỉ trong thiết kế sản phẩm du lịch đêm cần được đề cao và cung cấp dịch vụ chất lượng, sử dụng dịch vụ thuận tiện, đội ngũ con người tư vấn tốt, sớm khắc phục các thiếu sót. Ngoài ra, đồng bộ với chính sách kinh tế đêm, nâng cao nhận thức về kinh tế du lịch đêm và vai trò của sản phẩm du lịch đêm, xây dựng bộ qui định về an ninh an toàn nhưng không trở thành rào cản hoạt động du lịch về đêm”, ông Thắng đề xuất.
Đổi mới tư duy
Để tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch mới, địa phương xác định phía Bắc sẽ tập trung đầu tư phát triển Hội An thành đô thị du lịch tiêu biểu của cả nước, Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia. Tại phía Nam, định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thủ công truyền thống gắn với du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch công vụ (MICE).
Tại khu vực phía Tây, Quảng Nam sẽ tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện và rừng phòng hộ để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh và cân bằng phát triển du lịch giữa các vùng trong tỉnh.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nhìn nhận ngành du lịch cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng kinh tế đêm. Theo ông Thanh, trước đây các địa phương hay chú trọng đến việc “ăn, chơi, nhảy” trong việc xây dựng các sản phẩm đêm khiến cho các sản phẩm chưa thể tạo nên các giá trị tạo sức hấp dẫn đối với du khách.
“Các sản phẩm về đêm, Quảng Nam có vô số câu chuyện để phát triển thành sản phẩm thu hút khách du lịch. Chúng ta không cần làm gì nhiều, chỉ cần phát triển điểm đến, “tô” thêm nghệ thuật ánh sáng, tạo trải nghiệm mới cho du khách vào ban đêm,... là đã có thể tạo dấu ấn và tăng thêm doanh thu từ các sản phẩm này”, ông Thanh khẳng định.
Theo vị này, Quảng Nam có nhiều di sản, điểm đến đặc biệt, nên chỉ cần xây dựng phương án đón tiếp khách vào ban đêm để có một trải nghiệm mới về du lịch. Qua đó, địa phương vẫn theo định hướng phát triển du lịch xanh, du khách có thêm sản phẩm mới mà công tác bảo tồn vẫn được đảm bảo xuyên suốt.
Có thể bạn quan tâm