Tây Nguyên đẩy mạnh du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn gắn với bảo tồn văn hoá, phát huy các giá trị sẵn có đang được các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh.
>>Quảng Ninh: Ấn tượng du lịch MICE
Khai thác các nghề như dệt thổ cẩm, chỉnh chiêng, đánh chiêng, cùng tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp là hướng mà tỉnh Kon Tum đang làm đối với các làng du lịch cộng đồng phục vụ du khách. Tuy mới được hình thành, làng du lịch Kon Kơ Tu ở xã Đắk Rơ Wa thành phố Kon Tum đang dần trở nên quen thuộc với du khách nhờ những điều đó. Đặc sản du lịch của làng là tìm hiểu về lễ hội văn hóa truyền thống, tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm, đi thuyền độc mộc trên sông Đắk Bla, tham quan kiến trúc làng, nhà rông, nhà nguyện, giao lưu văn hóa cồng chiêng. Sản phẩm du lịch nơi đây bao gồm dệt thổ cẩm và các mặt hàng thời trang liên quan đến thổ cẩm như túi xách, váy áo, khăn choàng….
Ông Đào Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa thành phố Kon Tum nói, “xã xác định phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn là ngành kinh tế mũi nhọn, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Thời gian qua, khi làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu được thành lập, khách đến đông hơn, thu nhập bà con vì thế cũng tăng lên. Nhờ nguồn thu này, người dân có điều kiện để mua sắm trang thiết bị phục vụ kinh doanh homestay.”
Ngoài ra, ông Hậu cũng cho biết thêm giá trị của du lịch cộng đồng đem lại “du lịch cộng đồng không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, mà đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, nấu rượu ghè”.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành kế hoạch số 6195/KH-UBND ngày 18/07/2023 nhằm thúc đẩy du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2025, Lâm Đồng sẽ phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Xây dựng và phát triển đến từ 1 - 2 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề và môi trường sinh thái đến 2025. Có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá. Một nửa các điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Ngoài ra, các chủ cơ sở, người phục vụ loại hình du lịch nông thôn được đào tạo trên 70%. Đây là những mục tiêu cụ thể sẽ đem đến cho nông thôn Tây Nguyên một sức sống mới thông qua du lịch.
Nhờ thay đổi tích cực mà du lịch các tỉnh đã có dấu hiệu tăng. Lâm Đồng cho biết từ đầu năm đến nay địa phương đón hơn 4,5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, đạt trên 53 % kế hoạch và tăng hơn 21% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế khoảng 227 nghìn lượt.
Nhờ phát triển cơ sở lưu trú theo hình thức homestay tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số đem lại một sức hút mới cho du lịch Thành phố Buôn Ma Thuột. Trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận tổng lượt khách đến thành phố khoảng 520.000 lượt. Trong đó, khách quốc tế khoảng 3.560 lượt, khách trong nước hơn 516.440 lượt, tổng doanh thu ước tính 412 tỉ đồng.
Hiện nay, 5 tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn đầu tư công, các địa phương cũng đẩy mạnh hoạt động mời gọi đầu tư, xã hội hoá các mô hình du lịch. Văn hoá, ẩm thực, làng nghề truyền thống là những thế mạnh mà các tỉnh tập trung khai thác phục vụ du khách. Bên cạnh việc đó công tác giữ gìn và phát triển văn hoá người thiểu số cũng được thực hiện đúng mức. Nhờ đó, mà du lịch nông thôn ở Tây Nguyên đang có một sức hấp dẫn riêng.
Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt, ông Hà Trọng Hải cho rằng, “càng tạo được nét đặc trưng, khác biệt càng có sức hấp dẫn để hướng tới mục tiêu cuối cùng của phát triển du lịch là thu hút được nhiều du khách, đem lại hiệu quả kinh tế.”.
Có thể bạn quan tâm