Kết nối giao thương miền Trung - Tây Nguyên

TUẤN VỸ - MINH NGỌC 11/05/2023 10:47

Từ ngày 11 -14/5/2023, tại TP Đà Nẵng sẽ diễn ra chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại”.

>>Kết nối giao thương nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp

Chương trình Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tổ chức tại Đà Nẵng sáng ngày 11/5.

Chương trình Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tổ chức tại Đà Nẵng sáng ngày 11/5.

Xúc tiến thương mại gặp khó

Nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương hiện đang nhanh chóng xây dựng và chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các ngành hàng thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Chương trình "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023, được phối hợp tổ chức giữa cơ quan trung ương và các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên theo tinh thần đổi mới phương thức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia, thích ứng với tình hình nền kinh tế dần phục hồi.

Tại Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại diễn ra vào sáng 11/5/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải chia sẻ, năm 2022, đại dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát phần nào, nhưng vẫn có những tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, căng thẳng về chính trị trên thế giới hiện nay khiến hoạt động xúc tiến thương mại trên thế giới thêm khó khăn. Nhận thức được điều đó, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển thị trường ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức xúc tiến thương mại khác nhau được tổ chức thường xuyên, liên tục như hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến và trực tiếp, tạo ra nhiều kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng. Điều này góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị kết nối giao thương

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị kết nối giao thương

“Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thành công các Chương trình kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Chương trình Kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại được tổ chức tại Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu nhất định, các doanh nghiệp địa phương Miền Trung và Tây Nguyên đã kết nối và trao đổi, giao dịch trực tiếp với nhiều đối tác trong nước và quốc tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.

>>Kết nối giao thương tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ

Tìm kiếm giải pháp cho doanh nghiệp

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, GRDP năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ phát triển.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, GRDP năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ phát triển.

Tại Đà Nẵng, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết giai đoạn 2020-2022 là giai đoạn đầy thử thách với địa phương nói riêng và các tỉnh thành trên cả nước nói chung khi chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Ngay khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, Đà Nẵng đã chủ động đề ra những mục tiêu và kế hoạch cụ thể trong tình hình và giai đoạn mới để đưa thành phố tiếp tục phát triển.

“Năm 2022, có thể nói Đà Nẵng là một trong các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, GRDP năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ phát triển. Đà Nẵng tiếp tục nằm trong tốp các tỉnh thành phố dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (Par index), đứng thứ nhất cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Nam thông tin.

Cũng theo vị này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố Đà Nẵng năm 2022 đạt trên 2,1 tỷ USD tăng 17,9% so với năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố hiện nay là dệt may, thủy sản, thiết bị điện và sản phẩm điện tử, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ, cao su thành phẩm, đồ chơi trẻ em có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 với mức tăng trung bình trên 17%. Đến nay, các doanh nghiệp Đà Nẵng đã xuất khẩu đi khoảng 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, chủ yếu tập trung ở các thị trường: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...

Theo ông Lê Quang Nam, bước sang những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục biến động khó lường, lạm phát vẫn đang tiếp diễn ở nhiều quốc gia lớn khiến nhu cầu thị trường giảm mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng.

Bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food cho hay với nhiều lợi thế từ sản phẩm địa phương, doanh nghiệp đã tận dụng và hình thành sản phẩm đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Hiện nay, phần lớn hàng hóa được xuất khẩu sang các quốc gia như Lào, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,...

Bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food cho rằng sự giúp đỡ từ các đơn vị, địa phương là nguồn động lực để doanh nghiệp tiếp tục phát triển

Bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food cho rằng sự giúp đỡ từ các đơn vị, địa phương là nguồn động lực để doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

“Các doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn vào chất lượng sản phẩm để có thể liên kết được nhiều hơn với các nhà xuất khẩu thương mại. Đồng thời, sự hỗ trợ từ các địa phương cũng rất quan trọng, qua đó các doanh nghiệp có thể kết nối được nhiều hơn và có động lực để tiếp tục phát triển”, bà Nhi chia sẻ.

Đối với “bài toán” xuất khẩu hiện tại, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần chủ động đảm bảo nguồn cung, trước mắt nên thông qua kênh phân phối trong nước. Đối với từng địa phương, các đơn vị cần lên kế hoạch kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương vào hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội, kết nối đối tác và tranh thủ sự hỗ trợ từ địa phương. Từng bước, đẩy mạnh nâng cao sản phẩm chất lượng để phù hợp với từng thị trường xuất khẩu.

Thời gian qua, hoạt động thương mại trong nước đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã chủ động đẩy mạnh liên kết, khai thác tốt thị trường nội địa, tìm đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục cần sự hỗ trợ của các cơ quan chính phủ, địa phương trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trực tiếp giữa các địa phương, đưa hàng hóa Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, cũng như kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng nội địa. Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung -Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” năm 2023 cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Đặc biệt, với các thông tin hữu ích từ các địa phương và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư, chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ được các khó khăn thời gian qua và tìm ra những giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chương trình, từ ngày 11/5-14/5/2023, tại khuôn viên Bờ Đông cầu Rồng (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên gồm Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với sự tham gia của hơn 300 nhà cung cấp, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ

    18:21, 17/03/2023

  • Kết nối giao thương nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp

    11:30, 17/03/2023

  • Phiên chợ vùng cao - Kết nối giao thương miền tây Thanh Hóa

    12:59, 26/11/2022

  • Thanh Hóa: Kết nối giao thương khu vực Bắc Trung Bộ năm 2022

    23:47, 25/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kết nối giao thương miền Trung - Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO