Du lịch đường thủy nội địa của Đà Nẵng vẫn tắc
Dù còn nhiều dự địa để phát triển, song lĩnh vực du lịch đường thủy tại Đà Nẵng vẫn khó phát triển do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều vướng mắc từ cơ chế chưa được tháo gỡ.
>>“Cú hích ” nào cho ngành du lịch Đà Nẵng?
Hiện tại, Đà Nẵng đang có 19 doanh nghiệp với tổng số 26 tàu du lịch đủ điều kiện phục vụ du khách với tổng sức chứa hơn 2.000 chỗ.
Hạ tầng chưa đồng bộ
Theo quy hoạch của TP Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2023 địa phương có 7 tuyến đường thủy nội địa hoạt động khai thác du lịch và đã có 3 tuyến được công nhận. Hầu hết các tuyến này đều nằm trên sông Hàn đi các hướng cầu Trần Thị Lý, đi cửa biển - bán đảo Sơn Trà và một tuyến đi Hòn Chảo. Số lượng khách du lựa chọn lĩnh vực này không đáng kể so với số lượng tổng du khách đến với địa phương.
Đối với 4 tuyến còn lại bao gồm các tuyến khu vực bán đảo Sơn Trà, tuyến sông Hàn đi quận Ngũ Hành Sơn, tuyến Cẩm Lệ đi Túy Loan - Thái Lai và cuối cùng là tuyến sông Cu Đê - Trường Định. Dù quy hoạch là vậy, xong đến nay đối với các tuyến du lịch đường thủy tại Đà Nẵng chỉ đang hoạt động chính ở khu vực sông Hàn là chính và số lượng thực sự chưa nhiều.
Nguyên nhân khiến lĩnh vực này chưa thực sự phát huy hiết tiềm năng là do còn gặp vướng mắc về thủ tục, đặc biệt là các vướng mắc vượt thẩm quyền của địa phương. Ngoài ra, các hạng mục dịch vụ phụ trợ khác vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu, số lượng phương tiện vẫn còn thiếu so với nhu cầu của du khách... Hệ thống sản phẩm trong lĩnh vực này vẫn chưa được đa dạng dẫn đến thiếu sức hút với khách du lịch.
Theo ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel, hiện nay mảng du lịch đường thủy Đà Nẵng còn quá tập trung vào khu vực trung tâm và cửa biển. Trong khi đó, vị này đánh giá dư địa về phía Tây và phía Bắc vẫn còn dồi dào và ít được quan tâm.
Lấy ví dụ, ông Tư cho rằng các tuyến vận tải hành khách trên sông đi các khu vực Túy Loan - Thái Lai – Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) dù đã nhiều nằm qua vẫn chưa có tiến triển. Việc này đã khiến nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm,... của khu vực giảm đi sức hút với du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
“Về cơ sở hạ tầng, địa phương nên tạo thêm điều kiện để doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đầu tư. Trong đó, các đơn vị sẽ liên kết hệ thống sản phẩm, điểm đến để đầu tư bến, xây dựng khu trưng bày đặc sản,... và quản lý hoạt động. Như vậy sẽ tạo đa dạng cho hệ thống sản phẩm du lịch cho địa phương, đồng thời gia tăng trải nghiệm của du khách, tránh di chuyển bằng ô tô quá nhiều gây bí bách, nhàm chán”, ông Lê Thiên Tư đề xuất.
Cần tháo gỡ vướng mắc
Vào năm 2022, Đà Nẵng đã có Kế hoạch phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Mục tiêu của đề án là để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy, tạo sản phẩm du lịch chính hấp dẫn, đặc sắc, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, điểm đến phục vụ phát triển du lịch đường thủy đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Và mới đây, địa phương này cũng đã công bố tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa khu vực bán đảo Sơn Trà, lộ trình từ bến CT15 đi Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa để phục vụ khách du lịch.
Thông tin từ ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, việc công bố tuyến đường thủy nội địa tại bến CT15 cũng đã tạo thêm sản phẩm mới, bước đầu đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Theo ông Vương, thời gian tới, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch sẽ phối hợp với các ngành chức năng phát triển sản phẩm bổ sung, dịch vụ hậu cần, vui chơi giải trí,...
“Đối với hoạt động đường thủy nội địa, TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải triển khai, dự kiến thời gian tới sẽ triển khai tuyến mới nối từ cầu sông Hàn đến bến K20 (quận Ngũ Hành Sơn) và mở rộng ra đến Túy Loan (Hòa Vang). Địa phương sẽ tiếp tục triển khai để tạo nên một không gian cho du khách trải nghiệm đu sản phẩm du lịch trên địa bàn”, ông Vương cho biết.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chia sẻ các vướng mắc trong phát triển đường thủy cơ bản đã được đề xuất đến lãnh đạo Thành phố và các sở ngành liên quan. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay thuộc về tiến độ triển khai thuộc thẩm quyền của Thành phố.
Cũng theo ông Dũng, mặc dù, vấn đề về hạ tầng bến bãi, quy hoạch đường thủy nội địa, phát triển sản phẩm... đều đang được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, vướng mắc hiện đang vượt ngoài thẩm quyền của Thành phố như phải thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ về Sơn Trà để tạo khu hậu cần cho các tuyến nội địa ra vịnh, ra biển. Cùng với đó là vùng chồng lấn giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, một số khu vực do Bộ Quốc phòng quản lý thì sẽ phối hợp khai thác như thế nào, đó là các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành.
Có thể bạn quan tâm