Đầu năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, ngành du lịch Đà Nẵng đã đón lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng cùng với đó là nhiều thị trường khách quốc tế đã quay lại.
>>Bảo vệ sức khoẻ trước "rừng" thực phẩm bẩn
Trong năm 2022, Đà Nẵng đã đón khoảng 3,69 triệu lượt khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Với những tín hiệu khả quan từ các thị trường khách quốc tế, Đà Nẵng đang có nhiều thuận lợi để đưa ngành du lịch trở lại mạnh mẽ.
Khởi đầu ấn tượng
Chỉ trong dịp Tết Quý Mão 2023, TP. Đà Nẵng đã đón 293.873 lượt khách đến tham quan, du lịch. Trong đó, khách nội địa đạt 230.489 lượt, khách quốc tế đạt 63.384 lượt.
Theo thống kê, khách du lịch dịp này chủ yếu là khách lẻ, chiếm đến 60-70%, khách đông nhất vào các ngày Mùng 2 đến Mùng 5 Tết Âm lịch. Đối với khách du lịch quốc tế, hiện nay các thị trườn khách Hàn Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore...), đã có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Cũng trong thời gian này, đã có hơn 1.500 chuyến bay cất cánh và hạ cánh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Trong đó, có khoảng 768 chuyến bay đến thành phố với hơn 98.000 lượt khách. Đã có 444 chuyến bay nội địa ước khoảng 57.000 lượt khách và 324 chuyến bay quốc tế mang khoảng hơn 42.000 lượt khách quốc tế đến với thành phố Đà Nẵng, tần suất trung bình 46 chuyến/ngày.
Công suất phòng tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố ở phân khúc 4 – 5 sao đạt khoảng 50 – 55% và phần lớn là khách quốc tế, còn lại phân khúc 3 sao trở xuống cũng đã đón được lượng khách lẻ ổn định. Với công suất phòng hiện tại, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã có thêm động lực để tiếp tục tái thiết các hoạt động để vực dậy ngành du lịch tại địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho hay trong năm 2023 địa phương sẽ xúc tiến, mở trở lại các đường bay quốc tế trọng điểm để đón được nhiều du khách đến từ những trung tâm tài chính, kinh tế, du lịch,... trong khu vực châu Á cũng như trên thế giới. Qua đó, thúc đẩy khách du lịch quốc tế khôi phục mạnh mẽ hơn.
“Trong năm nay, TP. Đà Nẵng sẽ tập trung vào các sản phẩm về du lịch MICE, du lịch thể thao, văn hóa, các sự kiện tầm cỡ quốc tế,... để cố gắng kéo khách đến. Cùng với đó, thành phố sẵn sàng cung cấp các dịch vụ, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất tốt nhất để làm hài lòng du khách khi đến với Đà Nẵng để có những con số tăng trưởng tốt hơn”, ông Bình cho hay.
Nhiều kế hoạch xúc tiến
Để đạt được mục tiêu cho năm 2023 là gia tăng khách du lịch trên 15%, Đà Nẵng sẽ củng cố, làm mới các sản phẩm hiện có, triển khai các sản phẩm du lịch mới, chủ lực, đặc thù. Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án du lịch động lực, trọng điểm quy mô lớn như Khu du lịch giải trí và tổng hợp làng Vân, Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế, KDL sinh thái Nam Ô.
Cùng với đó, triển khai Kế hoạch phát triển ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, chương trình lễ hội sự kiện hai bờ sông Hàn, đưa vào khai thác phục vụ du khách Bảo tàng Đà Nẵng, di tích Hải Vân Quan. Huy động các nguồn lực để tổ chức các lễ hội/sự kiện thu hút khách như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng, Lễ hội du lịch Golf và Giải Golf Phát triển châu Á 2023, giải Marathon quốc tế, IRONMAN...
Đặc biệt, chuẩn bị nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ để phù hợp với nhu cầu của du khách trong giai đoạn mới. Song song là thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ban đêm, tiếp tục xúc tiến duy trì và mở các đường bay quốc tế mới, thu hút khách du lịch đường biển quốc tế đến Đà Nẵng.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng Đà Nẵng đã vượt qua 8 điểm đến quốc tế nổi tiếng để được vinh danh là “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2022” tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022. Ông Dũng đánh giá đây là tiền đề để Đà Nẵng đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế năm 2023 và các năm đến.
Ông Dũng cho rằng, du khách sẽ lựa chọn các điểm đến an toàn, điểm đến có các chính sách tốt, thuận tiện cho du khách đến du lịch và quay về an toàn. Cùng với đó là xu hướng chọn các điểm đến có không gian trải nghiệm tốt, dịch vụ nghỉ dưỡng đa dạng hướng thiên nhiên, sinh thái.
“Khách hàng đi du lịch có xu thế chi tiêu cho dịch vụ, ẩm thực, mua sắm, nhiều hơn sau một thời gian bị gò bó do dịch bệnh. Vì vậy, cần xây dựng các nhóm sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái, khám phá văn hóa, ẩm thực, sự kiện lễ hội kèm chính sách kích cầu phù hợp với từng thị trường khách. Ví dụ: Khách Hàn Quốc, Nhật Bản tập trung sản phẩm khám phá ẩm thực văn hóa địa phương, du lịch nghỉ dưỡng, đánh Golf,…; Khách Ấn Độ tập trung các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh, du lịch cưới, du lịch M.I.C.E,...”, ông Cao Trí Dũng nêu.
Cũng theo vị này, Đà Nẵng cần tập trung tiếp cận nhóm khách sự kiện, hội nghị, MICE từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách hạng sang, giới siêu giàu, tỷ phú,… Lên kế hoạch truyền thông cụ thể từng thị trường, tổ chức các sự kiện lễ hội thu hút khách, tổ chức các chương trình kích cầu chung, giảm giá vé tham quan, hỗ trợ các đoàn MICE, sự kiện tiệc cưới, các hoạt động thể thao biển, Golf,... Đặc biệt, xử lý kịp thời các vướng mắc tạo hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, xử lý nhanh các vấn đề truyền thông tiêu cực từ khách hàng, trên các nền tảng mạng xã hội.
Ở góc độ quản lý địa phương, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay với chủ đề năm 2023 - “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, ngành du lịch Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn “chất lượng cao”. Cùng với đó, Đà Nẵng sẽ thực hiện hiệu quả công tác truyền thông - xúc tiến quảng bá, cập nhật xu hướng thị hiếu thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn điểm đến, phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15%-20% so với năm 2022.
“Thành phố xác định tập trung phát triển thị trường nội địa, ưu tiên thị trường Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc, TPHCM, phát triển phân khúc thị trường du lịch MICE,... Cùng với đó, sẽ khôi phục lại và đẩy mạnh các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống, từng bước thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách du lịch tại khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) và khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia), Ấn Độ, tập trung phân khúc khách có khả năng chi trả cao,...”, bà Ngô Thị Kim Yến cho hay.
Có thể bạn quan tâm