Du lịch biển, đảo được xem là lợi thế của Việt Nam nhưng vẫn chưa được chú trọng đầu tư đúng tầm, thiếu sản phẩm chiến lược.
>>Du lịch biển đảo cần động lực mới
Với lợi thế địa chính trị, du lịch biển đảo được xác định là một trong bốn dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam và đã phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Với hơn 3.200km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 125 bãi biển đẹp nằm ở 28 tỉnh, thành ven biển, du lịch và dịch vụ biển, đảo được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế đối với du lịch biển, đảo khiến các địa phương cũng như doanh nghiệp khó có thể phát triển sản phẩm chủ lực để “kéo” khách đến.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, sản phẩm du lịch biển, đảo Đà Nẵng mặc dù đã có thương hiệu và phát triển, tuy nhiên so với tiềm năng thì phát triển vẫn còn chưa tương xứng. Ông Bình lấy ví dụ rằng các hoạt động thể thao, giải trí biển chỉ mới thu hút được đối tượng khách phổ thông, chưa có phân khu riêng cho khách cao cấp, các loại hình thể thao, vui chơi giải trí còn ít.
“Hệ thống cảng, bến thủy nội địa quy mô nhỏ, tạm thời, hạ tầng chưa đảm bảo, việc đầu tư điểm đến, sản phẩm dịch vụ gặp nhiều trở ngại, khó khăn do liên quan đến yếu tố quốc phòng an ninh, một số vị trí chưa phân định được ranh giới hành chính nên chưa được đầu tư hình thành sản phẩm du lịch.
Vì vậy, cần tập trung đầu tư mở rộng không gian du lịch biển sang khu vực Vịnh Đà Nẵng với hệ thống sản phẩm du lịch 4.0 đa dạng- đẳng cấp- khác biệt và sáng tạo, tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bất động sản nghỉ dưỡng,...”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch tỉnh Bình Định cho rằng việc cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ “mở đường” để đón làn sóng đầu tư vào du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng. Đồng thời, góp phần kết nối các khu, điểm, tour, tuyến du lịch nội và ngoại tỉnh một cách hiệu quả. Cũng theo ông Vũ, cần có những cầu cảng du lịch để đón và phục vụ du khách đến với biển đảo.
“Các giải pháp thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường biển, bảo tồn sinh thái biển đảo, nuôi dưỡng các rạn san hô, không đánh bắt cá con, giữ nguồn hải sản cũng cần được chú trọng. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo, trang bị kiến thức cho người dân và các doanh nghiệp có nhu cầu. Đặc biệt, kêu gọi đầu tư xây dựng tổ chức các trung tâm mua sắm lớn để thu hút sự mua sắm và các tiện ích phục vụ khách du lịch”, ông Vũ đề xuất.
Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, việc đầu tư nâng cấp các tuyến, điểm tham quan hiện có, cũng như xây dựng, phát triển các tuyến, điểm tham quan mới, nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến tham quan du lịch còn chậm thực hiện, ít được chú trọng. Đồng thời, các dịch vụ khác như ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí... cũng chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách.
Để phát triển du lịch biển, đảo, các doanh nghiệp đề xuất chính sách visa cần thông thoáng, cởi mở, linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục, xử lý nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách đến Việt. Cùng với đó là mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa với các nước EU, Mỹ, Australia, New Zealand,... để thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Đặc biệt, đẩy mạnh việc cấp visa điện tử cho du khách một cách thực chất, mở rộng danh sách cấp visa điện tử, tăng số ngày miễn visa. Tiếp tục cải tiến thủ tục nhập xuất cảnh đối với khách du lịch tàu biển tại cảng biển theo hướng cấp visa tập thể đối với toàn bộ du khách chỉ quá cảnh, lên bờ tham quan du lịch Việt Nam và xuất cảnh theo tàu nhằm giảm bớt các giấy tờ mà du khách tàu biển cần khai báo.
Theo ông Phạm Hà, CEO LUX GROUP cho rằng, chính quyền các địa phương nên mở rộng khái niệm sản phẩm du lịch biển (martime tourism), bao quát hơn hướng đến phát triển bền vững. Theo vị này, việc phát triển mạnh mẽ các cảng thuỷ nội địa và quốc tế để thu thút khách tàu biển với hạ tầng tốt, điểm đến nghỉ biển nghiều hoạt động năng động, nhiều cảm xúc để có thể thu hút khách đến nhiều lần thay vì một đi không trở lại.
“Việt Nam chúng ta cần hình thành tuyến du lịch ven biển nhằm tạo sản phẩm mới lạ cho du lịch, trong đó mỗi địa phương có biển cần có những sản phẩm du lịch biển đảo riêng đặc trưng như OCOP với nhiều trải càng đa dạng càng tốt. Đồng thời, địa phương có biển phải có hạ tầng cảng thuỷ nội địa riêng cho hoạt động biển đảo địa phương, nội vùng và liên vùng, cấp phép đơn giản tours mới, tuyến mới, các hoạt động cấp phép cần một cửa thay vì 18 loại giấy tờ để hoạt động ngủ đêm”, ông Phạm Hà kiến nghị.
Ông Vũ Văn Đảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina kiến nghị, các Bộ, ngành cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận tải đường thủy để tạo thuận lợi cho việc sản xuất tàu thuyền, phát triển hạ tầng và kinh doanh vận tải thủy. Đồng thời, sắp xếp lại các cơ quan liên quan đến quản lý hoạt động của phương tiện trên đường thủy nội địa.
“Chính phủ, bộ ngành và chính quyền các địa phương tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho việc phát triển du lịch nói chung và du lịch biển đảo nói riêng. Lãnh đạo trung ương và địa phương cần phải là những người tiên phong đến với biển đảo, tạo sức hút cho người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch biển đảo”, ông Đảo nhìn nhận.
Có thể bạn quan tâm