Quảng Ninh: Công bố vùng vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long

HẢI NGÂN - LÊ CƯỜNG 10/08/2023 02:30

Tỉnh Quảng Ninh vừa công bố vùng vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long. Đây được cho là cơ sở để các đơn vị có liên quan đầu tư và tổ chức quản lý các sản phẩm du lịch hiệu quả, bền vững.

>>>Ấn tượng du lịch Hạ Long

>>>Quảng Ninh: Liên kết mở rộng thị trường du lịch

Mở 4 vùng vui chơi giải trí

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, bắt đầu từ ngày 1/8/2023, Vịnh Hạ Long có 4 vùng hoạt động vui chơi, giải trí do BQL Vịnh Hạ Long quản lý, khai thác… Việc công bố các vùng hoạt động vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long là căn cứ vào một loạt các quy định, trong đó có Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Du khách nước ngoài tham quan trên Vịnh Hạ Long

Du khách nước ngoài tham quan trên Vịnh Hạ Long

Cụ thể, 4 vùng hoạt động vui chơi giải trí trên Vịnh Hạ Long đủ tiêu chuẩn, gồm: Khu vực Hang Luồn với diện tích 5,23ha; Khu vực làng chài Cửa Vạn, diện tích 29,56 ha; Khu vực Hồ Động Tiên - Hang Trinh Nữ, diện tích 32,55ha; Khu vực Cống Đỏ, diện tích 62,36 ha.

Trước đó, qua khảo sát, đánh giá tại hiện trường của các cơ quan chức năng ở những điểm vẫn đón khách du lịch và có tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí thì chỉ có 4 khu vực, gồm Hang Luồn, Cửa Vạn, Hồ Động Tiên – Hang Trinh Nữ và Khu vực Cống Đỏ đủ điều kiện được tiếp tục hoạt động.

Bốn khu vực khác lâu nay vẫn đón khách, với các hoạt động chèo thuyền nan, kayak, gồm: Vung Viêng, Ba Hang, Cống Ngang, Tùng Sâu, không có trong danh sách công bố các vùng được phép tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long do thiếu một số điều kiện như: bến hoặc thiết bị nổi để tiếp nhận đón và trả các phương tiện vào neo đậu, đưa đón người ra vào khu vực đối với người tham gia các hoạt động vui chơi giải trí; các công trình thiết bị phụ trợ, báo hiệu, cảnh báo, chỉ dẫn, nội quy hoạt động…

Hoạt động chèo thuyền được du khách tham quan Vịnh Hạ Long rất yêu thích

Hoạt động chèo thuyền được du khách tham quan Vịnh Hạ Long rất yêu thích

Được biết, theo Nghị định số 48/2019/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước là vùng nước mà phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước được phép hoạt động trong phạm vi ranh giới an toàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố; phương tiện phục vụ vui chơi giải trí phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Để có thời gian chuẩn bị, đối với các đơn vị, cá nhân đã hoạt động trước đó, nghị định đã quy định thời gian hơn 2 năm để chuẩn bị. Bắt đầu từ 1/1/2022, phải thực hiện nghiêm theo nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019. Những đơn vị, cá nhân xin cấp phép hoạt động từ thời điểm ban hành nghị định thì phải thực hiện luôn theo nghị định. Với Quảng Ninh, từ đầu tháng 8/2023, địa phương này mới công bố được các khu vực đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 48.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, BQL vịnh Hạ Long có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đảm bảo an toàn hoạt động tại các khu vực đã được công bố. Trước khi các hoạt động vui chơi dưới nước được đưa vào hoạt động, BQL phải kiểm tra kỹ lưỡng về hệ thống hạ tầng thiết bị đảm bảo an toàn, trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, báo cáo UBND TP Hạ Long kiểm tra, chấp thuận mới được đưa vào hoạt động… BQL Vịnh Hạ Long chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đảm bảo an toàn hoạt động của các khu vực đã được công bố; phối hợp với UBND TP Hạ Long thống nhất quy định thời gian hoạt động cụ thể đối với hoạt động vui chơi, giải trí, tổ chức quản lý đảm bảo an toàn trong suốt quá trình hoạt động…

Hướng đến trung tâm du lịch tầm quốc tế

Thực tế, TP Hạ Long từ lâu được ví như thiên đường du lịch, giải trí với nhiều hoạt động sôi động, phong phú, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến trải nghiệm. Thời gian gần đây, khi hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư đồng bộ và hiện đại, diện mạo đô thị thay đổi đã giúp Hạ Long có bước tiến bứt phá ngoạn mục, hướng đến trở thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế.

Theo thống kê, trên Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long có 15 doanh nghiệp, hộ đăng ký kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí trước thời điểm ban hành Nghị định 48, với 2.135 kayak, 240 đò chèo tay và nhiều tàu cao tốc. Đây là các dịch vụ được du khách trong và ngoài nước vô cùng thích thú.

Việc công bố vùng vui chơi giải trí trên Vịnh Hạ Long từ ngày 1/8 được xác định phần nào tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ - du lịch dưới nước như chèo thuyền kayak, đò tay… trên vịnh từ nhiều năm nay theo Nghị định 48.

Vịnh Hạ Long có 4 vùng đủ điều kiện được phép tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí

Vịnh Hạ Long có 4 vùng đủ điều kiện được phép tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí

Theo đại diện BQL Vịnh Hạ Long, việc tổ chức công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí trên Vịnh Hạ Long là cơ sở để các đơn vị có liên quan đầu tư và tổ chức quản lý các sản phẩm du lịch một cách hiệu quả, bền vững, an toàn, xứng tầm với vị thế đặc biệt nổi trội của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Từ đó, góp phần điều tiết, phân luồng đối tượng du khách; tăng thu từ hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh cho ngân sách nhà nước…

Được biết, TP Hạ Long và đang đã triển khai Đề án phát triển du lịch TP Hạ Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu năm 2025, địa phương này đón 17 triệu lượt khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Theo đó, TP Hạ Long tiếp tục mở rộng không gian du lịch về phía Đông; khai thác những lợi thế về thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hoá, thiết chế văn hoá có sẵn, như: Bãi tắm Hòn Gai, hồ Hải Thịnh, đường bao biển Trần Quốc Nghiễn; mở lại hoạt động leo núi Bài Thơ, thiết kế xây dựng một số điểm chụp ảnh... nhằm khai thác hiệu quả tuyến tham quan số 1 trên địa bàn.

Ngoài ra, địa phương này cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án phát triển kinh tế đêm; tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng một số dịch vụ kinh tế đêm; xem xét, cấp vùng hoạt động một số sản phẩm du lịch mới gắn với vịnh Hạ Long như: Chèo thuyền kayak, chèo SUP, đua thuyền buồm, mô tô nước, dù bay…

Theo đại diện UBND TP Hạ Long, Hạ Long phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hài hòa với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các vùng núi phía bắc thành phố. Đồng thời, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của TP Hạ Long, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đô thị, khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư để kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ và du lịch.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Hiện thực hóa giấc mơ “an cư lập nghiệp” cho người lao động

    Quảng Ninh: Hiện thực hóa giấc mơ “an cư lập nghiệp” cho người lao động

    03:00, 09/08/2023

  • Quảng Ninh: Kinh tế tư nhân là động lực phát triển của tỉnh

    Quảng Ninh: Kinh tế tư nhân là động lực phát triển của tỉnh

    01:26, 08/08/2023

  • Quảng Ninh: Liên kết mở rộng thị trường du lịch

    Quảng Ninh: Liên kết mở rộng thị trường du lịch

    02:30, 07/08/2023

HẢI NGÂN - LÊ CƯỜNG