Từ Nghị quyết 45/NQ-CP của Chính phủ, Quảng Ninh đang biến thành quyết tâm hành động với những giải pháp cụ thể, hiệu quả để đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển của tỉnh, của đất nước.
>>>Quảng Ninh: Phát triển hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng
Động lực quan trọng...
Ngày 31/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là quyết tâm của Chính phủ nhằm tiếp tục đưa kinh tế tư nhân phát triển ở tầm cao hơn.
Để thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết số 45/NQ-CP đã đặt mục tiêu tổng quát nhằm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tỉnh luôn xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GRDP.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 10.000 doanh nghiệp, hơn 400 HTX và trên 32.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, tình hình sản xuất, kinh doanh suy giảm, tỉnh đã tập trung tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp thiết thực. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
>>>Quảng Ninh: Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu
Theo số liệu thống kê của Sở Tài chính, 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã có 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng (tăng 12% so với cùng kỳ), 280 doanh nghiệp giải thể (tăng 6% so với cùng kỳ); 569 doanh nghiệp, HTX bỏ địa chỉ kinh doanh. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do gặp khó khăn về thị trường, vốn, lao động…
Để giúp các doanh nghiệp trụ vững, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân - Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long - chủ đầu tư KCN Sông Khoai, cho biết: Trong năm nay, KCN Sông Khoai dự kiến sẽ đón được trên 1 tỷ USD vốn đầu tư. Tuy nhiên, hạ tầng cấp điện cho KCN Sông Khoai hiện chưa được đầu tư kịp thời, ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình thu hút đầu tư. Mặc dù vậy, chủ đầu tư đánh giá rất cao sự vào cuộc chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp. Hằng tuần, địa phương đều tổ chức họp rà soát cập nhật tiến độ GPMB, nắm bắt thông tin đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Nhiều giải pháp thúc đẩy...
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hiệu quả đã được tỉnh triển khai nhằm phát triển kinh tế tư nhân như: Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiến tiến, quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận và ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Phát triển thị trường lao động, đào tạo nhân lực, lao động có trình độ chuyên môn…
Ông Tạ Đức Quyết - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Vân Đồn, cho biết: Ngoài chính sách miễn giảm thuế của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương trong việc quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực của kinh tế tư nhân, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh, nhất là giải pháp chống mọi biểu hiện chủ nghĩa thân hữu, quan hệ "lợi ích nhóm".
Được biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 7 tháng ước đạt 32.945 tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 2% so cùng kỳ 2022. Với niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, tính trong 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 1.615 đơn vị (992 doanh nghiệp, 623 đơn vị phụ thuộc) thành lập mới, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng số vốn đăng ký đạt 14.445 tỷ đồng; đồng thời có 598 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định, kết quả này là của cả quá trình nhận thức đầy đủ vai trò của các khu vực kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho phát triển để xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thực hiện các cam kết, giữ vững niềm tin, luôn đặt mình ở vị trí nhà đầu tư để thấu hiểu, thấu cảm, chia sẻ, đồng hành.
Theo ông Ký, chỉ số PCI được khảo sát thường niên với Quảng Ninh không chỉ là một kênh tin cậy để lắng nghe ý kiến chia sẻ, đo lường thông tin phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, mà còn là thương hiệu của địa phương, là nguồn lực, động lực phát triển nhanh, bền vững, là mục tiêu chính trị đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định.
Ngay sau khi Nghị quyết số 45/NQ-CP được ban hành, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao các ngành liên quan tham mưu triển khai thực hiện trên địa bàn. Đặc biệt là cụ thể hóa 5 nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; Tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân; Tiếp tục tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, hiện nay các ngành liên quan cũng đã hoàn thành dự thảo kế hoạch thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, đang lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Có thể bạn quan tâm