Doanh nghiệp du lịch chờ hiệu ứng từ “đòn bẩy” chính sách
Với việc thay đổi thời hạn thị thực mới, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đang chờ đợi trợ lực từ “đòn bẩy” này để tiếp tục phục hồi và phát triển trong tương lai.
>>Xu hướng “cao cấp hóa” du lịch tại Việt Nam
Chính sách nới lỏng về thị thực chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8, thời hạn thị thực điện tử cho khách du lịch được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày và công dân của các nước được đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày đang tạo thêm nhiều động lực cho các doanh nghiệp du lịch.
Doanh nghiệp “ngóng” khách quốc tế
Theo thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt trong 7 tháng đầu năm. Cùng với đó, lượng khách du lịch nội địa vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ước đạt khoảng 76,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng tháng 7, Việt Nam đã đón và phục vụ 1,04 triệu lượt khách quốc tế.
Với việc nới lỏng chính sách thị thực, các chuyên gia du lịch cho rằng đây sẽ là ưu điểm để du khác quốc tế lựa chọn du lịch tại Việt Nam và ở lại lâu hơn, đi du lịch chậm và nhàn nhã hơn. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng đánh giá chính sách mới sẽ thúc đẩy du lịch, tạo “lực hút” khách quốc tế đến Việt Nam cũng như tạo động lực cho các địa phương trong việc phục hồi du lịch.
Ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hoiana Resort & Golf cho hay trong 6 tháng đầu năm đơn vị đã đón khoảng 43 ngàn lượt khách, trong đó khoảng 85% là khách quốc tế. Với chính sách mới, vị này nhận định là một chính sách vô cùng tuyệt vời đối với các doanh nghiệp trong ngành du lịch.
“Việc nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày sẽ giúp du khách quốc tế có nhiều thời gian và cơ hội để thăm thú, trải nghiệm nhiều dịch vụ hơn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, theo chúng tôi, Việt Nam nên xem xét mở rộng số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng thời hạn visa này. Điều đó sẽ càng tạo điều kiện hơn nữa cho nhiều khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Một chính sách visa thông thoáng và dài hạn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt khách quốc tế, là đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển”, ông Steven Wolstenholme đề xuất.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng mẫu và giao diện e-visa khá thân thiện với mobile/tablet, web thân thiện và dễ sử dụng. Trong đó, việc đăng ký lấy visa dễ dàng online, nếu khách mua dịch vụ cao cấp “visa fast track” thì có đội ngũ đón tiếp để khách cảm thấy được chào đón và bỏ tiền xứng đáng và nên có hầu hết các ngôn ngữ chính như Tiếng Anh, Pháp, Đức, Hàn, Nhật, Thái...
Ngành du lịch cần thích ứng
Tại Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững vào ngày 15/8 vừa qua Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng ngành du lịch đang thúc đẩy tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong việc phục hồi và phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Theo Thứ trưởng Việt, với các chính sách thị thực mới, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày.
Có thể thấy rằng, chính sách visa mới sẽ là cơ hội lớn để ngành du lịch gia tăng lượng khách quốc tế và tái thiết các hoạt động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng đây chỉ là một “nút thắt” được tháo gỡ, nếu muốn ngành du lịch phát triển thực sự vẫn cần thêm nhiều phương án “đặc biệt”.
Cụ thể, cấc địa phương có thế mạnh, cộng đồng doanh nghiệp cần ngành du lịch cần đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp. Về định hướng, cần chú trọng chất lượng, dịch vụ điểm đến, không để xảy ra hiện tượng chèo kéo khách, tăng giá.
Đặc biệt, các chuyên gia đề xuất từng doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các điều điện về nhân lực để bảo đảm chất lượng, đảm bảo sản phẩm,... để phục vụ du khách trong thời gian tới. Hơn hết, các đơn vị phải hiểu rằng sở thích, nhu cầu,... của khách du lịch đang có nhiều thay đổi sau ảnh hưởng của dịch bệnh.
Song song với đó, doanh nghiệp du lịch cần cải thiện cấc điểm yếu về Chiến lược marketing du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp - Kỹ năng giữ chân khách được lâu - Tránh tình trạng các sản phẩm du lịch gần như là giống nhau, chưa có bản sắc riêng, có thể xứng tầm với có sức hút lớn. Đây là 3 yếu tố cơ bản để ngành du lịch gia tăng tính cạnh tranh với các địa phương khác.
Trong khi đó, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đề xuất phương án phát triển du lịch xanh, dựa theo xu thế của thời đại. Theo vị này, chương trình phát triển du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn tiếp theo chính là sự tiếp nối của chương trình hành động quốc gia về du lịch đã kết thúc vào năm 2020.
“Các vùng, các địa phương cần có sự liên kết mạnh mẽ hơn để đơn giản hóa thủ tục quy hoạch, đầu tư, triển khai chương trình dự án để du lịch tiếp tục phục hồi, tăng tốc bền vững”, ông Siêu nhận định
Có thể bạn quan tâm
Đẩy mạnh "sản phẩm liên kết" trong du lịch cộng đồng
03:00, 24/08/2023
Tạo thương hiệu để nâng khả năng cạnh tranh cho du lịch xứ Lạng
15:30, 24/08/2023
Quảng Ninh - Cần Thơ khai thác lợi thế đường bay để phát triển du lịch
10:46, 23/08/2023
Giải pháp nào phát triển du lịch cộng đồng tại Đà Nẵng?
03:00, 23/08/2023
Hà Nội cần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đêm
01:00, 23/08/2023
.