Gia Lai: Phát huy lợi thế để vực dậy ngành du lịch
Vực dậy ngành du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Gia Lai, trong đó phát huy những lợi thế sẵn có để tổ chức các hoạt động nhằm thu hút khách trong và ngoài nước.
>>Du lịch Việt Nam vượt chỉ tiêu đón khách quốc tế năm 2023
Du lịch Gia Lai đang chờ thời cơ để bứt phá, đây là một dấu chấm hỏi dành cho tương lai trả lời. Khi ngành này đã ngủ quên nhiều năm trong sự lãng phí về tài nguyên thiên nhiên, văn hoá bản địa. Kéo theo tình trạng sụt giảm nhân lực, xã hội hoá đầu tư cho du lịch thấp.
Đại diện đầu tư Homestay Tiên Sơn nói “Môi trường du lịch ở Gia Lai chưa thực sự chuyên nghiệp, còn manh mún, chính sách đãi ngộ chưa rõ ràng là những rào cản lớn trong việc thu hút nhân lực và phát triển du lịch.”
Trong khi đó, bà Phan Thị Ngọc Diệp -Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) nêu rõ “chất lượng các loại hình du lịch còn giản đơn, dựa nhiều vào tự nhiên, thiên nhiên, thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp nên chưa đủ hấp dẫn. Sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch chưa cao, thiếu các sản phẩm nổi bật có thương hiệu để tạo ấn tượng thu hút khách. Điểm đến của các tour du lịch thiếu các dịch vụ trải nghiệm như ăn uống, giải trí, vui chơi.”
Cuối tháng 8 vừa qua, Gia Lai đã đưa vấn đề phát triển du lịch ra bàn luận và định hướng phát triển. Một loạt các hoạt động được đề ra như khôi phục lại hoạt động festival văn hoá cồng chiêng mở rộng, tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya, hoạt động đua thuyền trên sông Pô Cô, tuần văn hoá du lịch Pleiku kết hợp với giải chạy bộ Gia Lai city trail năm 2023.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Gia Lai tổ chức các hoạt động, sự kiện cấp tỉnh, cấp thành phố, huyện trong khoảng thời gian ngắn. Tạo ra sân chơi thú vị cho khách du lịch trong nước và nước ngoài. Đòi hỏi địa phương phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ du khách đảm bảo an toàn.
>>Du lịch Gia Lai hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Tấn Thành cho hay, đây là giải pháp cho vấn đề phát triển du lịch trong bối cảnh hiện tại. Điều này cũng có thể tạo một tiền đề tốt cho ngành du lịch của Gia Lai có một vị thế mới trong khu vực và trong nước.
Ngoài ra, các hoạt động, sự kiện này còn là dịp để tỉnh Gai Lai quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động hợp tác, đầu tư vào địa phương.
Đến nay, tỉnh Gia Lai đã kêu gọi, thu hút được 29 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký 9.470 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2022, tại hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh đã ký 3 biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư với tổng số vốn trên 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành du lịch Gia Lai vẫn còn chậm phát triển so với tiềm năng, thế mạnh.
Là doanh nghiệp có nhiều hoạt động cho du lịch của địa phương, tuy nhiên ông Đỗ Mạnh Cương - Giám đốc Công ty TNHH Bahnar Xanh nói, “Địa phương cần có cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia vào phát triển du lịch nhiều hơn nữa. Chúng tôi sẽ tự mình phát triển các loại hình sản phẩm du lịch, hướng tới định hướng du lịch xanh và bền vững. Tuần lễ du lịch Gia Lai diễn ra vào tháng 11 vừa là cơ hội, vừa là thử thách để du lịch của địa phương nhìn vào cơ chế. Tạo ra một hành lang thông thoáng để doanh nghiệp vào đầu tư, đồng thời tự tin đẩy mạnh các hoạt động du lịch.”
Festival cồng chiêng năm 2018 đã thu hút hàng chục ngàn du khách tham dự với nhiều hoạt động giới thiệu văn hoá bản sắc của địa phương. Đây là sự kiện văn hoá dự kiến được tổ chức 2 năm một lần, tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay festival cồng chiên mới được tổ chức lại. Do đó, tuần lễ văn hoá du lịch tỉnh Gia Lai năm 2023 là một dịp để tạo ra những cơ hội bứt phá trong ngành du lịch.
Có thể bạn quan tâm