Định hướng phát triển du lịch thành nghành kinh tế mũi nhọn, nhưng nhiều năm qua tỉnh Gia Lai vẫn loay hoay đi tìm giải pháp.
>>Tín hiệu mới cho du lịch Gia Lai trong kỳ nghỉ lễ
Qua thống kê, Gia Lai có đến 47 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Theo đó, văn hoá đa dạng với cái nôi của không gian văn hóa cồng chiêng.
Địa phương còn có Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà, vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Nền nông nghiệp đa dạng, và hệ thống thác, sông suối và nền khí hậu mát mẻ, nhiều cụm di tích lịch sử và di tích sơ kỳ đá cũ.
Thế nhưng so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, du lịch của tỉnh Gia Lai lại có đóng góp cho GDP của địa phương thấp nhất. Có thể thấy, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 6 tháng đầu năm 2023 thu hút được 4,5 triệu khách, doanh thu dịch vụ lưu trú, du lịch, ăn uống hơn 6,4 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh Đắk Lắk 6 tháng đầu năm đã đón hơn 650.000 lượt khách, tổng thu toàn ngành đạt hơn 515 tỷ đồng. Tỉnh Kon Tum ngành du lịch ước tính thu hút được trên 956 nghìn lượt khách, đạt 73,6% kế hoạch và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu ước đạt 384 tỷ đồng, đạt 120% kế hoạch và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tỉnh Gia Lai trong 6 tháng đầu năm đã có khoảng 620 ngàn lượt khách, tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 56% so với kế hoạch. Tỉnh Đắk Nông là tỉnh thành lập tháng 1 năm 2004, sau cùng trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thu hút khoảng 412.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Số liệu này cho thấy, ngành du lịch của Gia Lai đang đi chậm hơn so với các tỉnh khác trong khu vực.
Ông Vũ Hồng Tuyên – một người làm trong ngành du lịch ở thành phố Pleiku than thở, “tôi thường xuyên đưa đón khách ở Gia Lai đi các tỉnh và ngược lại thấy du lịch của tỉnh nhà vẫn chậm phát triển lắm. Nhất là so với các tỉnh trong khu vực.”
Trong khi đó, Đinh A Ngưi chủ một homestay ở huyện Kbang là cho hay “khách đến với chúng tôi chủ yếu qua kênh quảng bá cá nhân, nhưng lượng khách đến cũng rất phập phù không nhiều khiến cho những người làm du lịch như chúng tôi rất bất an.”
Đánh giá chung về tình hình, ông Nguyễn Tấn Thành- Chủ tịch Hiệp hội du lịch Gia Lai cho rằng, “địa phương cần phải đầu tư nhiều lắm. Bởi lẽ tiềm năng thì dồi dào những lại có sự đầu tư chừng mực, thành ra cái sản phẩm của du lịch Gia Lai có đặc trưng nhưng còn thiếu tính hoàn thiện.”
Trước sự tăng trưởng chậm của du lịch, chiều ngày 17/08 tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị đánh giá lại việc thực hiện kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và tìm giải pháp phát triển. Theo Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai phấn đấu tới 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển theo hướng đa dạng các loại hình lưu trú, dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng.
Trong đó, Thành phố Pleiku là điểm đến trọng điểm đảm bảo các điều kiện tốt nhất về môi trường xanh sạch đẹp, an ninh-an toàn và thân thiện. Phấn đấu xây dựng thành phố Pleiku là đô thị thông minh. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai bố trí ngân sách trên 500 tỷ đồng để triển khai 9 dự án đầu tư công và phát triển hạ tầng, phát triển du lịch. Xây dựng các sự kiện văn hoá, thể thao thành những sự kiện có quy mô lớn gắn với quảng bá hình ảnh văn hoá con người, tiềm năng du lịch của tỉnh.
Theo ông Lê Tiến Anh – Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai “trên địa bàn hiện có 12 dự án du lịch ngoài ngân sách tuy nhiên có 9 dự án chưa có nhà đầu tư, 2 dự án tạm dừng 1 dự án đang thực hiện điều chỉnh. Điều này ảnh hưởng đến phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai rất nhiều.”
Ông Nguyễn Tấn Thành – Chủ tịch Hiệp Hội du lịch tỉnh Gia Lai cho rằng, “trước mắt Gia Lai cần tập trung đầu tư sản phẩm du lịch sinh thái, sản phẩm văn hoá bản địa. Riêng sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng thì địa phương có rất dồi dào, bởi là một tỉnh miền núi, với những cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ. Thêm nữa Gia lai là vùng đất đỏ bazan thích hợp với nông nghiệp và du lịch nông nghiệp nông thôn. Đây là mô hình đang mở ra triển vọng mới để xây dựng ngành du lịch địa phương phát triển.”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch đã đưa ra yêu cầu “rà soát lại các chính sách để tham mưu cho tỉnh hỗ trợ mô hình du lịch cộng đồng phát triển. Nhất là phát triển chiều sâu gắn với khai thác và bảo vệ văn hoá truyền thống. Gia Lai sẽ lấy chủ thể là người dân các làng bản làm trọng tâm, làm đối tượng phát triển và thụ hưởng của ngành du lịch.”
“Ngoài ra các địa phương, sở ngành rà soát, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo tiền đề phát triển du lịch. Rà soát lại sản phẩm du lịch trong liên kết cụm, để phát triển tour có trọng tâm trọng điểm. Các địa phương và ngành văn hoá tiếp tục triển khai các hoạt động văn hoá, lễ hội, tăng cường quảng bá và tạo thuận lợi để đưa sản phẩm nông nghiệp của người dân địa phương đến với khách du lịch,” bà Lịch nói thêm.
Cộng đồng doanh nghiệp và người dân Gia Lai kỳ vọng với những định hướng rõ ràng, trong thời gian tới, du lịch Gia Lai sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Có thể bạn quan tâm