Du lịch văn hóa là sản phẩm du lịch cốt lõi
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định, du lịch văn hóa là sản phẩm du lịch cốt lõi, động lực để phát triển du lịch Việt Nam lên tầm cao mới.
>>Phát triển du lịch văn hoá
Việt Nam có tài nguyên văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là nguồn lực to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa và các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn.
Tài nguyên phong phú, văn hoá đậm đà bản sắc
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam. Nhiều điểm đến có di sản văn hoá thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và là điểm phải đến của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế, như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam). Nhiều chương trình du lịch văn hóa được xây dựng và thực hiện thành công, tạo thương hiệu cho du lịch Việt Nam như: Con đường di sản miền Trung, Các cố đô Việt Nam, Con đường xanh Tây Nguyên...
Cùng với đó, Việt Nam đã đạt được nhiều giải thưởng du lịch tiêu biểu của Tổ chức giải thưởng du lịch Thế giới như: điểm đến di sản hàng đầu thế giới (trong 3 năm 2019, 2020, 2022); điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (2019); điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á (2019) - Hội An; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á (2019); điểm đến vui chơi, giải trí hàng đầu thế giới - Đảo Ký Ức Hội An; điểm du lịch văn hoá hàng đầu thế giới - Sun World Fansipan Legend (2022).
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, những năm qua, Việt Nam đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Bên cạnh việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên khai thác giá trị tự nhiên vốn có của các di sản văn hóa như du lịch tham quan di sản, di tích; tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa truyền thống, đời sống văn hóa cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch tâm linh…loại hình sản phẩm du lịch văn hóa mới đang được đẩy mạnh đầu tư phát triển đó là du lịch tham quan và trải nghiệm các sản phẩm văn hóa sáng tạo mới như du lịch trải nghiệm nghệ thuật trình diễn (du lịch trải nghiệm lễ hội âm nhạc, điện ảnh, thời trang, nghệ thuật trình diễn đương đại khác…).
Triển khai đồng bộ các giải pháp “chủ chốt”
Để phát triển du lịch văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần đưa vào quy hoạch hệ thống ngành du lịch nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch văn hóa, du lịch thông minh, hình thành các trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế tiêu biểu như thành phố Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM,…
Việt Nam cần định hình và xây dựng được thương hiệu du lịch văn hóa của từng vùng, từng địa phương, từ đó xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa của quốc gia dựa trên tiềm năng và giá trị văn hóa vốn có.
Đồng thời, cần triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam và Chiến lược marketing du lịch Việt Nam, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong việc xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa; xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá các thị trường cho từng loại sản phẩm du lịch văn hóa để đẩy mạnh hình ảnh và định vị của thương hiệu du lịch văn hóa của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh nghệ thuật; Xây dựng chính sách đồng bộ từ trung ương đến địa phương để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Cùng với đó là đầu tư du lịch có trọng tâm, trọng điểm khi triển khai thực hiện các chương trình đầu tư cho du lịch từ các nguồn để làm nổi bật các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch có sức cạnh tranh mang tầm khu vực và thế giới.
Tiếp tục đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật hiện đại mang đậm dấu ấn văn hóa Việt phục vụ du lịch; tăng cường đầu tư kết nối và phát huy vai trò của cộng đồng và văn hóa cộng đồng trong phát triển du lịch. Dành nguồn lực lớn để bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc, các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian; tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa và phát triển các sản phẩm du lịch thông minh...
"Toàn ngành du lịch đặt trọng tâm phát triển du lịch văn hóa giúp Việt Nam trở thành điểm nút quan trọng của mạng lưới du lịch văn hóa khu vực và toàn cầu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, giúp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng như yêu cầu của Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017" - ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Có thể bạn quan tâm
Show thực cảnh – sức hút ấn tượng của du lịch văn hóa
02:30, 17/05/2023
Sơn La: Khai mạc Ngày hội Du lịch Văn hóa "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới"
13:02, 28/05/2023
“Hành trình du lịch văn hóa, lịch sử chùa Thầy năm 2023”
17:13, 19/04/2023
Phát triển du lịch văn hoá
03:45, 15/04/2023