Phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp Việt cần chủ động ứng phó
Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng tăng cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động ứng phó, bảo vệ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho mỗi ngành hàng.
Theo đánh giá của ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, diễn biến phòng vệ thương mại trên thế giới đang ngày càng có nhiều thay đổi.
Hiện tại, Việt Nam đang phải đối mặt với trên 140 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại có liên quan tới hàng xuất khẩu. Các vụ việc phần lớn đều có liên quan tới các đối tác là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ… Tuy nhiên, gần đây còn có sự xuất hiện của một số thị trường mới của ASEAN. Thêm vào đó, nếu như trước kia chỉ có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, giá trị cao như thép, thủy sản… mới bị điều tra, thì nay có nhiều mặt hàng kim ngạch xuất khẩu nhỏ cũng nằm trong diện điều tra, nguy cơ bị áp thuế.
Ngay cả điều kiện điều tra, quy tắc cũng khắt khe hơn trước trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, mức thuế áp... Các nước điều tra cũng gia tăng biện pháp phi truyền thống; Không chỉ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ... mà còn theo dõi rất kỹ các luồng giao dịch thương mại, chống lẩn tránh thuế từ các nước thứ 3.
Có thể bạn quan tâm
Chủ động trước các vụ kiện phòng vệ thương mại
12:00, 26/01/2019
Doanh nghiệp xuất khẩu làm gì để tránh điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại?
06:00, 02/01/2019
Doanh nghiệp cần chủ động phòng vệ thương mại
09:05, 08/12/2018
Doanh nghiệp cần thích nghi với phòng vệ thương mại
12:03, 01/12/2018
Theo các chuyên gia, hiện nay, để tham gia khởi xướng vào bất kỳ vụ việc phòng vệ thương mại nào, doanh nghiệp đều phải tìm hiểu quy trình, luật pháp… Thông thường, 1 vụ việc diễn ra 12 – 18 tháng và qua nhiều giai đoạn xem xét, khởi xướng, điều tra.
Để tham gia, doanh nghiệp phải có định hướng rõ ràng. Bởi theo quy định của WTO, thì để đứng đơn khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc tự vệ, bên đi kiện phải có đủ tư cách đi kiện, tức là phải đáp ứng ít nhất 2 điều kiện. Một là các doanh nghiệp đi kiện phải sản xuất ra ít nhất 25% tổng lượng sản phẩm liên quan sản xuất tại Việt Nam. Hai, đơn kiện phải nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp sản xuất ra ít nhất 50% tổng lượng sản phẩm liên quan sản xuất tại Việt Nam. Điều này là không hề đơn giản với doanh nghiệp Việt khi chủ yếu đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức độ liên kết ngành còn chưa lớn.
Ngoài ra, các vụ phòng vệ thương mại còn có sự phức tạp về pháp lý, các vấn đề về mặt thông tin, tài chính kế toán đều là các nội dung chi tiết phức tạp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế về nhân lực, nguồn tài chính và kinh nghiệm nên rất khó có thể đáp ứng đầy đủ nếu không có sự trợ giúp của cơ quan chức năng, hiệp hội…
Nhận định về những khó khăn của doanh nghiệp khi đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại, Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, với việc áp thuế từ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt đang phải chịu sức ép của thị trường xuất khẩu. Kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy không nhỏ về tài chính cho ngành thép Việt khi nhiều doanh nghiệp mới chỉ vừa hoàn thành giai đoạn đầu tư. Đồng thời, đang phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu để thu hồi hàng trăm triệu USD đầu tư hoặc chi trả lãi vay.
Đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại đang diễn biến phức tạp, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”.
Chương trình tổng thể về phòng vệ thương mại đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ về: xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế về phòng vệ thương mại; Tăng cường thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại; Nâng cao năng lực sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cho ngành công nghiệp trong nước; Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại của các cơ quan quản lý Nhà nước; Và tăng cường bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Các nhóm nhiệm vụ trên được cụ thể hóa thành các chương trình, hoạt động cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc gia. Từ đó, tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi của các Hiệp định Thương mại tự do; Nâng cao năng lực sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại; ứng phó hiệu quả các vụ kiện phòng vệ thương mại bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước; nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho cán bộ, công chức, nhân viên ở cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, song doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế” - Ông Lê Triệu Dũng cho hay.